Phát triển sản phẩm mới, cổ phần hóa là nhiệm vụ cần làm ngay của VTC

29/06/2020 | ngoc.vu
Thích
737 Xem 0 thích 0 Bình luận
Ngày 26/6/2020 tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc, Tổng công ty VTC đã tổ chức Hội nghị Xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2021 -2030 và kế hoạch SXKD, đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025. Tham dự Hội nghị gồm có BTV Đảng ủy, HĐTV, Ban TGĐ TCT cùng các cán bộ chủ chốt trong TCT.
 

Toàn cảnh Hội nghị

Chương trình của Hội nghị bao gồm các nội dung sau: Phó Tổng giám đốc Dương Thế Lương trình bày Chiến lược phát triển Tổng công ty VTC giai đoạn 2021 -2030; tiếp theo là phần trình bày Kế hoạch SXKD và Đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025 của Công ty VTC Intecom, Công ty VTC Mobile, Cơ quan Tổng công ty, Công ty VTC Digital; Công ty VTC Digicom và phần thảo luận, đóng góp ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị đóng góp vào chiến lược phát triển Tổng công ty giai đoạn 2021 – 2030 cũng như các ý kiến nhằm hoàn thiện kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển giai đoạn 2021 – 2025 của các đơn vị.
 

Phó Tổng giám đốc Dương Thế Lương trình bày Chiến lược phát triển tại Hội nghị

Các ý kiến tại Hội nghị đều nhìn nhận việc phát triển sản phẩm mới, tối ưu hóa nguồn lực là đặc biệt quan trọng mang tính sống còn với doanh nghiệp, bên cạnh đó việc sớm cổ phần hóa Tổng công ty, từng bước thoái vốn sẽ là tiền đề quan trọng để Tổng công ty bước sang một giai đoạn phát triển mới. Các dòng sản phẩm phải gắn liền với xu hướng hướng của công nghệ trung của thế giới cũng như những chính sách phát triển khoa học công nghệ quốc gia. Đặc biệt, mới đây nhất ngày 3/6/2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".  

Theo đó, chiến lược phát triển Tổng công ty VTC giai đoạn 2021 -2030 phải được gắn liền với chiến lược rất quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ vừa mới ban hành. Đây là cơ hội tốt cho Tổng công ty VTC với vị trí là doanh nghiệp lâu năm kinh doanh trong lĩnh vực phát thanh truyền hình, công nghệ thông tin, truyền thông, thanh toán điện tử, nội dung số…

Mục tiêu cơ bản đến năm 2025 là xây dựng phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, Đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Bảo hiểm được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc.

Từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế xã hội. Một mục tiêu nữa là Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).

Về phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, mục tiêu đến năm 2025 là kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI), thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh (GCI), thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo (GII)...

Mục tiêu cơ bản đến năm 2030, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp 100% trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 100% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh, 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước)...




Các đại biểu trình bày tại Hội nghị

Ngoài ra, Việt Nam đặt mục tiêu thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).

Về phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số, mục tiêu đến năm 2030, phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang; phổ cập dịch vụ mạng di động 5G; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%. Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI).

Quyết định nêu rõ, nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số là chuyển đổi nhận thức; kiến tạo thể chế; phát triển hạ tầng số; phát triển nền tảng số; tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số.

Về nhiệm vụ, giải pháp phát triển Chính phủ số, phát triển Hạ tầng chính phủ số phục vụ cơ quan nhà nước trên cơ sở kết hợp thế mạnh của Mạng Truyền số liệu chuyên dùng, mạng Internet, trung tâm dữ liệu của cơ quan nhà nước để phục vụ kết nối liên thông, xuyên suốt 4 cấp hành chính...

Đẩy mạnh triển khai các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển Chính phủ điện tử; xây dựng Cổng dữ liệu quốc gia; áp dụng công nghệ mới nhất về truyền thông xã hội (Social), cung cấp thông tin, dịch vụ hành chính công một các đơn giản, thuận tiện trên di động (Mobile); phát triển, hoàn thiện hệ thống Cổng Dịch vụ công quốc gia kết nối với Cổng dịch vụ công...

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị ông Lưu Vũ Hải - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV cho biết: Chính phủ đã Ban hành chương trình chuyển đổi số quốc gia, theo đó tất cả những doanh nghiệp liên quan đến thông tin và truyền thông, công nghệ thông tin đều tham gia vào chương trình chuyển đổi số quốc gia. Đây là một cơ hội không chỉ dành cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin mà với bất kỳ doanh nghiệp nào nếu tận dụng được cơ hội, trong đó Tổng công ty VTC chúng ta là đơn vị có truyền thống nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực CNTT, Viễn thông, Nội dung số, Thanh toán điện tử, Truyền thông… rất phù hợp với chiến lược mà Thủ tướng vừa ban hành nên cơ hội cho VTC chúng ta là rất lớn.
 

Ông Lưu Vũ Hải - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV phát biểu tại Hội nghị

Ông yêu cầu xây dựng chiến lược cần có tính khả thi cao, sử dụng số liệu và các nguồn dự báo chính xác để hoàn thiện chiến lược có cơ sở khoa học, thực tiễn, các đơn vị cần xây dựng kế hoạch trong đó ưu tiên trong việc hợp tác nội bộ, phát huy thế mạnh nội lực, đem lại lợi ích cho các bên. Đồng thời đề nghị ban soạn thảo hoàn thiện sớm “Chiến lược phát triển Tổng công ty VTC giai đoạn 2021 -2030” để báo cáo Bộ TT&TT.

Hội nghị đã kết thúc trong không khí vui vẻ, đoàn kết, các đại biểu tham dự Hội nghị đều thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực để cùng nhau hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra trong giai đoạn tới của TCT.
 
Mạnh Lê



 

Viết bình luận

Xem các tin khác