TS Thái Minh Tần: Hoàn thành một sứ mệnh

09/01/2024 | manh.le
Thích
7189 Xem 1 thích 0 Bình luận
Cùng với nhiều thế hệ cán bộ, nhân viên của mình ông đã khởi dựng nên một VTC lẫy lừng, từ một xí nghiệp gần như với hai bàn tay trắng...
Ngày 1/1/2012, TS Thái Minh Tần, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện - VTC chính thức nghỉ hưu sau gần 40 năm cống hiến cho sự nghiệp truyền thông nước nhà. Cùng với nhiều thế hệ cán bộ, nhân viên của mình ông đã khởi dựng nên một VTC lẫy lừng, từ một xí nghiệp gần như với hai bàn tay trắng, sau hơn 20 năm đã trở thành một tổng công ty truyền thông đa phương tiện hàng đầu Việt Nam. Ông bảo: “Như vậy là sứ mệnh của tôi đã hoàn thành”.
 
Vươn lên bằng nghị lực thoát nghèo

Ông Thái Minh Tần sinh ngày 1/1/1950 tại xã Hưng Long, Hưng Nguyên, Nghệ An. Năm 15 tuổi, ông vào học trường chuyên Phan Bội Châu. Năm 1965, ông đỗ lớp chuyên toán, Đại học Tổng hợp (nay là Đại học quốc gia Hà Nội). Ông đủ tiêu chuẩn xét tuyển đi học nước ngoài nhưng do một số thay đổi khách quan ông đã ở lại học trong nước. Ông được xét vào khoa Toán, nhưng ông lại xin chuyển sang khoa Vô tuyến điện ĐH Bách khoa Hà Nội. Năm 1972, khi học xong năm thứ tư, Thái Minh Tần rời ghế giảng đường đi chiến đấu, được phiên vào sư đoàn tên lửa bảo vệ Thủ đô, tham gia trận chiến đấu 12 ngày đêm bảo vệ Hà Nội cuối năm 1972.

Tháng 9/1975, ông về học tiếp 2 năm và tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc đại học Bách Khoa Hà Nội. Ra trường, Thái Minh Tần về đầu quân cho Đài Truyền hình Việt Nam, thuộc bộ phận lắp đặt trang thiết bị cho tất cả các đài truyền hình trên toàn quốc. Với đồng lương ít ỏi của một kỹ sư mới ra trường, lại trong thời buổi “thắt lưng buộc bụng” của đất nước, ông buộc phải tìm việc làm thêm ngoài giờ để có thêm thu nhập. Thế là ông “bất đắc dĩ” trở thành thợ chữa TV cho nhiều người dân ở Hà Nội.
 

Cuộc “cách mạng” số

VTC có được như ngày nay là công lao của nhiều thế hệ cán bộ, nhân viên VTC, nhưng không thể thiếu được vai trò chèo lái của TS Thái Minh Tần. Ông vừa là người đứng đầu Bộ tham mưu vạch ra chiến lược phát triển vừa là tổng đạo diễn.

Ông gia nhập làng truyền hình nước nhà với tấm bằng kỹ sư, trãi qua các cương vị Phó phòng, Trưởng phòng kỹ thuật, rồi Phó giám đốc, Giám đốc xí nghiệp. Tuy nhiên công bằng mà nói, sự nghiệp truyền hình số chỉ thực sự thăng hoa khi Xí nghiệp này về với Bộ Bưu chính-Viễn thông (Nay là Bộ TT&TT) và trở thành Tổng công ty VTC nổi tiếng.

Trong công việc ông là người táo bạo và quyết liệt. Trong lĩnh vực truyền hình ông nhận thức được rằng muốn cải cách thì bao giờ công nghệ cũng phải đi trước một bước”. Chính vì vậy mà ngay từ khi cái cảnh mỗi nhà một chiếc ăng ten trên nóc đã trở nên quen thuộc, khi mà giới truyền thông nước nhà ghi nhận sức mạnh và độ phổ biến của truyền hình analog và thậm chí ngay cả khi truyền hình cáp đang được ưa chuộng ông đã nói: “Công nghệ analog sắp hoàn thành nhiệm vụ. Khoa học công nghệ phát triển không cho phép con người tiếp tục phải đặt niềm tin vào một hình thức truyền hình cho chất lượng hình ảnh âm thanh trung bình, lãng phí tài nguyên tần số, phụ thuộc nhiều vào thời tiết như analog nữa”.

Và từ đấy một cuộc cách mạng số hóa trong truyền hình được bắt đầu.

Đầu năm 2001, dưới sự chỉ đạo của tập thể lãnh đạo VTC đứng đầu là TS Thái Minh Tần, công nghệ phát hình kỹ thuật số mặt đất theo chuẩn DVB–T được triển khai thành công tại Việt Nam. Đây là sự kiện thu hút sự quan tâm của giới truyền thông nước nhà.

Về sự kiện này báo điện tử VietNamNet (ngày 28/04/2005) viết: “Điều khiến người dân yêu truyền hình tại TP.HCM xôn xao hơn tuần lễ nay không phải là chuyện truyền hình cáp (MMDS) mở đợt siêu khuyến mãi lắp đặt trọn gói và cho mượn bộ giải mã dài hạn. Họ xôn xao cũng không phải do truyền hình số vệ tinh (DTH) mở đợt khuyến mãi cho khách hàng với giá cực rẻ. Điều mà mọi người đặc biệt quan tâm là chuyện VTC được Chính phủ cho phép ứng dụng công nghệ truyền hình số mặt đất trên phạm vi toàn quốc. Thiết bị giải mã model T12 của VTC cho phép người xem thưởng thức tới… 42 kênh truyền hình trong và ngoài nước. Điều này đã làm cho “bàn tiệc kỹ thuật số” thêm bội phần hấp dẫn”.

Tuy nhiên để có được thành quả như vậy là điều không hề đơn giản. Cuộc “cách mạng số” ấy vấp phải không ít lực cản. “Phải mất rất nhiều công sức chúng tôi mới được cấp trên cho thử nghiệm làm truyền hình kỹ thuật số. Chúng tôi được Nhà nước cho phép thực hiện đề tài cấp nhà nước về truyền hình số. Ban đầu, Nhà nước chỉ cho phép tiếp phát lại nội dung của VTV. Dần dần, chúng tôi chứng minh được năng lực về truyền hình số. Ban đầu Truyền hình kỹ thuật số VTC chỉ là tổ biên tập, bây giờ VTC là Đài truyền hình. Cái được lớn nhất của chúng tôi là cả xã hội chấp nhận cho chúng tôi ra đời một đài truyền hình. Nếu không quyết tâm đổi mới, số hóa các khâu trong truyền hình, chúng tôi không thể có Đài truyền hình kỹ thuật số VTC như hiện nay được”- TS Thái Minh Tần có lần tâm sự.

Sau này, như nhiều người đã biết, tiếp theo việc phát sóng truyền hình số mặt đất, nhiều công nghệ mới trong lĩnh vực truyền hình đã được VTC ứng dụng thành công. Việc phát sóng truyền hình di động theo chuẩn DVB-H vào năm 2006 cũng là dấu mốc quan trọng đưa Việt Nam vào danh sách một trong số ít nước đầu tiên trên thế giới thương mại hóa dịch vụ này.

Việc tìm tòi, nghiên cứu để cho ra đời những dịch vụ truyền thông ngày một hiện đại hơn. Tuy không còn bị những lực cản như trước nữa, nhưng nó đòi hỏi tập thể lãnh đạo VTC phải phải “vắt óc” suy nghĩ nhiều hơn, đặc biệt là phải dự báo được tương lai ngành truyền hình sẽ phát triển như thế nào.

Khi đa số người dân nước ta còn đang “làm quen” với truyền hình số, việc phóng vệ tinh Vinasat1 còn đang trong thì tương lai thì tại các diễn đàn hội nghị hay trong câu chuyện tâm tình với cán bộ chủ chốt của Tổng công ty người đứng đầu con thuyền VTC đã bộc bạch: “Đời sống của người dân ngày càng được nâng cao thì nhu cầu thưởng thức các chương trình hay, chất lượng cao ngày càng tăng. Tuy nhiên, nhìn lại toàn cảnh truyền hình hiện nay có thể thấy ngành truyền hình đang phát triển rất mạnh về lượng mà chưa phải là chất. Các loại hình truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số mặt đất, truyền hình vệ tinh DTH… phát triển rất mạnh về số lượng, lan tỏa và trải rộng khắp các tỉnh, thành phố, cạnh tranh lẫn nhau. Sự phát triển “nóng” này đương nhiên mang đến cho người dân nhiều lựa chọn hơn trước song chất lượng hình ảnh và âm thanh thực sự chưa đảm bảo. Vì vậy, người dân cần một hình thức truyền hình mới hiện đại hơn, với nội dung hấp dẫn, chất lượng hình ảnh rõ nét, âm thanh trung thực, sống động. Đó chính là truyền hình độ phân giải cao HDTV (High Definition Television).

Ngày 20 -12 -2008, VTC bắt đầu chính thức phát tín hiệu sóng truyền hình lên vệ tinh VINASAT-1 từ trạm phát sóng đặt tại 65 Lạc Trung, Hà Nội, đồng thời cho ra đời bộ thu giải mã tín hiệu truyền hình vệ tinh HD. Với bộ thu giải mã tín hiệu hiện đại này, hàng triệu khán giả của VTC có cơ hội trải nghiệm những giá trị mới từ công nghệ tiên tiến, thưởng thức các chương trình truyền hình có độ nét rất cao và âm thanh trung thực theo tiêu chuẩn HDTV.

Bộ thu giải mã tín hiệu truyền hình vệ tinh thế hệ 2 là sản phẩm mới ra đời sau hơn 1 năm nỗ lực nghiên cứu và triển khai công nghệ tiên tiến của tập thể cán bộ kỹ sư thuộc nhiều đơn vị, dưới sự chỉ đạo sát sao của TS. Thái Minh Tần.

Với việc đưa ra thị trưởng sản phẩm bộ thu giải mã HD và phát sóng qua vệ tinh, VTC đã đưa sóng truyền hình với chất lượng cao nhất tới mọi vùng đất của tổ quốc. Từ cao nguyên núi đá Đồng Văn tới mũi Cà Mau, từ Trường Sơn tới Hoàng Sa, Trường Sa. Các kênh truyền hình do VTC phát sóng qua vệ tinh đã thu hẹp khoảng cách thông tin và văn hóa giữa các vùng miền của đất nước, vừa đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng cao ở các đô thị lớn. Vừa đáp ứng mong muốn xem truyền hình từ nhiều năm nay của người dân vùng cao, biên giới và hải đảo. 
 
 
Truyền hình Internet

Một bước tiến thực sự quan trọng không thể không nói tới, đó là tháng 9 -2008, Chính phủ đã đồng ý giao Bộ Thông tin và Truyền thông thí điểm đặt hàng Tổng Công ty VTC về việc cung ứng dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2008 -2010.

Việc làm này mở ra giai đoạn mới trong việc tuyên truyền đối ngoại của Đảng và Nhà nước: khai thác công nghệ truyền thông hiện đại, chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các thông tin về thành tựu phát triển kinh tế, xã hội và giải trí đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Thông qua việc tận dụng tối ưu thế mạnh của mạng thông tin toàn cầu Internet, hàng triệu người Việt Nam ở nước ngoài đã có thể tiếp cận dễ dàng và thuận tiện tới các chương trình phát thanh truyền hình của Việt Nam. Chưa bao giờ, đồng bào ở xa tổ quốc lại được nghe  và  xem chương trình từ Việt Nam dễ dàng đến thế.

Tuy nhiên để có được việc làm này là cả một câu chuyện dài, là những ngày tháng lăn lộn, những đầu tư, trăn trở của tập thể lãnh đạo VTC đứng đầu là TS Thái Minh Tần.

Hẳn nhiều người còn nhớ, tối 28 -11-2003, Tổng công ty VTC (lúc bấy giờ còn là Công ty Đầu tư và phát triển công nghệ truyền hình) đã chính thức phát trực tuyến trên mạng Internet hai kênh VTV1 và VTV3 của Đài truyền hình VN. Chỉ vài giờ sau khi phát sóng báo Tuổi trẻ TP.HCM đã coi đây là sự kiện trọng đại, mở ra một chương mới trong chính sách thông tin đối ngoại của Việt Nam.

Một chương mới

VTC bước vào năm 2012 với nhiều thuận lợi, nhưng cũng còn không ít những khó khăn và thử thách. Những hệ quả của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới kéo dài nhiều năm qua; giá cả nhiều mặt hàng trong nước leo thang, sức mua của người dân ở một số lĩnh vực giảm sút; sự cạnh tranh trong cùng lĩnh vực hoạt động đang ngày càng quyết liệt hơn là những thách thức lớn đối với sự phát triển của VTC. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng mở ra những điều kiện thuận lợi mới. Việc thay đổi thế hệ lãnh đạo trẻ trung, năng động như một làn gió mới thổi vào nhiệt huyết của cán bộ, nhân viên toàn Tổng công ty. Chiến lược phát triển mà trước khi “rửa tay, gác kiếm” TS Thái Minh Tần và nhiều cán bộ VTC để lại như phát triển truyền hình 3D bên cạnh việc phát triển những dịch vụ đang được khởi dựng như IPTV, truyền hình cáp, dịch vụ nội dung số, thương mại điện tử… sẽ được tiếp tục đẩy nhanh, giúp VTC vượt qua những khó khăn thách thức và phát triển bền vững xứng đáng là ngọn cờ đầu trong lĩnh vực truyền thông đa phương tiện của nước nhà.

Đó cũng chính là trăn trở và kỳ vọng của TS Thái Minh Tần trước khi ông rời nhiệm sở VTC.
 
Triệu Bình Thanh (VTC News) 

Viết bình luận

Xem các tin khác