Công đoàn Tổng công ty kêu gọi CBNV chung tay phòng chống Ô nhiễm trắng

09/10/2019 | thao.truong
Thích
317 Xem 0 thích 0 Bình luận
Trước hiểm họa môi trường toàn cầu từ rác thải nhựa, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đang nỗ lực để loại bỏ thảm họa "ô nhiễm trắng" do rác thải nhựa gây ra. Hưởng ứng chiến dịch Phòng chống rác thải nhựa, Công đoàn Tổng công ty VTC kêu gọi toàn thể CBNV chung tay hạn chế sử dụng túi nilon cũng như đồ nhựa dùng một lần trong sinh hoạt hàng ngày.

Hiện nay, trên thế giới, cứ mỗi phút lại có 1 triệu chai nhựa được bán ra, mỗi năm là 5.000 tỷ túi nilon được tiêu thụ. Riêng ở Việt Nam, bình quân, mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng. Thống kê tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon. Để phân hủy hết các chất thải từ nhựa và nilon này sẽ cần tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, và tất nhiên, gánh nặng ô nhiễm này sẽ là thảm họa cho các thế hệ tương lai.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi nilon hiện nay rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Thế giới đã đánh giá tỉ lệ chất thải nhựa phát sinh đối với nước có thu nhập trung bình như Việt Nam chiếm 12% lượng chất thải rắn phát sinh. Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm.

Bên cạnh đó, công nghệ tái chế chất thải nhựa của Việt Nam chưa phát triển nên tỷ lệ phân loại chất thải tại nguồn rất thấp; người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác sinh hoạt hàng ngày. Điều này càng khiến việc xử lý rác thải nhựa thêm khó khăn và số lượng rác thải nhựa, túi nilon thải ra cứ tăng dần theo từng năm dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là "ô nhiễm trắng".

Đặc biệt, theo thống kê, hiện nay, mỗi năm các đại dương đang phải gánh chịu từ 4,8 - 12,7 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra từ các lục địa. Trong đó, Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về lượng rác thải nhựa xả ra biển, với 0,28 - 0,73 triệu tấn mỗi năm (tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới). Một báo cáo mới đây tại Hội nghị Davos, Thụy Sĩ khiến chúng ta không khỏi giật mình khi biết, ước tính lượng rác thải nhựa thải xuống biển đến năm 2050 sẽ nhiều hơn lượng cá (tính theo trọng lượng), đe dọa nghiêm trọng đến hệ sinh thái và môi trường đại dương.


Chính vì vậy, rác thải nhựa đang hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Việt Nam có bờ biển dài với 112 cửa biển, song hiện chúng ta chưa có những công nghệ xử lý rác thải một cách hiệu quả. Nếu chúng ta không có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực của rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng.
 

Thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc giải quyết vấn nạn ô nhiễm trắng, nhiều chiến dịch tuyên truyền cho người dân hiểu và có những hành động cụ thể để giảm thiểu và dần nói KHÔNG với một số sản phẩm nhựa không thân thiện môi trường. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường tái chế, tái sử dụng và tuần hoàn chất thải nhựa. Đặc biệt, tháng 5/2018, Việt Nam đã phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ: Thu gom, vận chuyển và xử lý 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, làng nghề; 85% chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; thay thế túi nilon khó phân hủy được sử dụng tại các trung tâm thương mại, siêu thị bằng các túi nilon thân thiện với môi trường; thu gom và xử lý 80% chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn…

Đến nay đã có tổng số 58 tổ chức quốc tế và các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam tham gia ký Quy tắc ứng xử về chống ô nhiễm chất thải nhựa và cam kết giảm thiểu sử dụng các đồ nhựa dùng một lần tại công sở.

Không nằm ngoài xu hướng, Công đoàn Tổng công ty VTC cũng kêu gọi CBNV có những hành động cụ thể trong sinh hoạt hàng ngày như hạn chế sử dụng túi nilon, nói KHÔNG với những sản phẩm nhựa dùng một lần; hãy phân loại rác thải nhựa và nilon khi bỏ rác hàng ngày...


Trong khuôn khổ từng đơn vị, Công đoàn Cơ quan TCT đã phát động chiến dịch "Nói không với bình nhựa" và phong trào "Ngày thứ 6 xanh" tại công sở để cùng chung tay bảo vệ môi trường. Theo đó, Công đoàn Cơ quan đã tặng CBNV tại đơn vị bình thủy tinh 500ml để đựng nước uống tại công sở và cuối giờ các ngày thứ 6 hàng tuần, CBNV dành ra 15 phút để dọn dẹp sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp chỗ làm việc của mình.

Người VTC hãy chung tay cùng cộng đồng loại bỏ dần rác thải nhựa, trả lại một môi trường không có "ô nhiễm trắng" cho thế hệ con cháu trong tương lai!
 
Minh Thảo (t/hợp)

Viết bình luận

Xem các tin khác