Lệnh cấm ứng dụng đe dọa tham vọng công nghệ của Trung Quốc

02/07/2020 | manh.le
Thích
375 Xem 0 thích 0 Bình luận
Lệnh cấm của Ấn Độ với 59 ứng dụng Trung Quốc có thể thúc đẩy các nước khác làm điều tương tự nhằm bảo vệ dữ liệu công dân.

Trong suốt hơn một thập kỷ qua, Trung Quốc mạnh tay chặn các dịch vụ Internet nổi tiếng thế giới của Google, Facebook, Amazon..., đồng thời xây dựng một hệ thống các giải pháp trực tuyến thay thế. Họ tạo nên những công ty công nghệ lớn mạnh trên Internet, như Alibaba, Tencent, Bytedance... cùng tham vọng tiến ra toàn cầu. Song song với đó, Trung Quốc cũng đầu tư mạnh mẽ với mục tiêu đi đầu thế giới trong các lĩnh vực công nghệ mới nổi, như AI, 5G...

Giờ đây, hàng loạt dịch vụ Internet của Trung Quốc lại đang phải nếm trải việc bị cấm hoạt động ở một nước khác như thế nào.

Ngày 29/6, Ấn Độ đã đưa ra quyết định chưa từng có tiền lệ: chặn 59 ứng dụng phổ biến của Trung Quốc. Giới phân tích đánh giá động thái này là lời cảnh báo mạnh mẽ tới các hãng Internet Trung Quốc, vốn đạt được sự thịnh vượng phía sau Great Firewall nhờ ngăn chặn hoạt động của các nền tảng Internet Mỹ.

Theo Dev Lewis, nhà nghiên cứu tại Digital Asia Hub, nếu lệnh cấm có hiệu lực, nó cũng có thể trở thành hình mẫu cho các nước đang tìm cách hạn chế sự phổ biến của những ứng dụng như TikTok trong khi bảo vệ được dữ liệu giá trị của công dân.

Việc ngăn chặn diễn ra khi các công ty Trung Quốc đang thể hiện rõ tham vọng bành trướng ra toàn cầu và thách thức Mỹ. TikTok hiện có 200 triệu người dùng ở Ấn Độ, Xiaomi là thương hiệu smartphone số một tại đây, trong khi Alibaba và Tencent cũng đang đẩy mạnh các dịch vụ để vươn lên vị trí hàng đầu ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới.

Theo SCMP, động thái của Ấn Độ giống lời nhắc nhở các nước khác về những hậu quả khi họ để Trung Quốc thu thập dữ liệu người dùng. Từ năm 2019, chính phủ Mỹ cũng đã ra khuyến cáo về nguy cơ an ninh quốc gia liên quan tới ByteDance vì nghi TikTok gửi dữ liệu người dùng về Trung Quốc. Ấn Độ tiếp tục thúc đẩy sự nghi hoặc này khi tố TikTok, WeChat, UC Browser và dịch vụ bản đồ của Baidu đe dọa chủ quyền và an ninh quốc gia.

Dev Lewis cho rằng chính phủ Ấn Độ thậm chí có thể sẽ nghĩ tới việc quản lý Internet theo cách tương tự Trung Quốc, thiết lập đường biên giới trên Internet, tạo ra Great Firewall phiên bản Ấn Độ.

Xét về hậu quả kinh tế, ByteDance bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Khi lệnh cấm có hiệu lực, họ sẽ lập tức mất hơn 200 triệu người dùng TikTok. Hồi tháng 4/2019, họ cũng bị cấm tại Ấn Độ một thời gian ngắn vì các nội dung khuyến khích bạo lực và truyền bá hình ảnh khiêu dâm gây hại cho trẻ em. Khi đó, ước tính mỗi ngày bị cấm, hãng Trung Quốc mất đi khoảng nửa triệu USD doanh thu.

Chia sẻ trên Twitter, Nikhil Gandhi, người đứng đầu TikTok Ấn Độ, khẳng định công ty tuân thủ mọi quy định liên quan tới dữ liệu và bảo mật của Ấn Độ, cũng như không chia sẻ bất cứ thông tin người dùng nào cho chính phủ nước ngoài, trong đó có Trung Quốc.

Chặn 59 ứng dụng Trung Quốc là một trong những bước đi quyết liệt của chính phủ Ấn Độ sau khi xung đột ở biên giới hai nước xảy ra từ giữa tháng 6. Các nhà chức trách Ấn Độ đã yêu cầu các công ty thương mại điện tử như Amazon, Walmart Flipkart phải hiển thị "xuất xứ" với các mặt hàng được bán ra. Họ cũng đẩy nhanh biện pháp cắt giảm hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có nhiều mặt hàng là thiết bị điện tử. Bộ Viễn thông Ấn Độ lệnh cho các nhà cung cấp dịch vụ ngừng các thỏa thuận với doanh nghiệp Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc bị cấm tham gia đấu thầu dự án phát triển hạ tầng viễn thông Ấn Độ, trong đó có kế hoạch nâng cấp dịch vụ 5G.
Theo vnexpress

Viết bình luận

Xem các tin khác