Các nước định danh số công dân thế nào

14/01/2021 | manh.le
Thích
449 Xem 0 thích 0 Bình luận

Định danh số công dân là xu hướng toàn cầu. Những quốc gia tiên phong như Estonia đã làm việc này từ nhiều năm trước. Hai hình thức định danh số phổ biến nhất hiện là định danh thông qua căn cước điện tử và định danh thông qua thiết bị di động. Mỗi cách đều có những ưu, nhược điểm riêng và có một số quốc gia áp dụng nhiều phương thức cùng lúc.

Định danh bằng căn cước điện tử
e-ID (thẻ căn cước điện tử) là hình thức định danh số công dân phổ biến trên thế giới. Năm 2002, Estonia tiên phong trong việc gắn chip mã hoá vào thẻ căn cước công dân. Ngoài thông tin cá nhân được lưu trữ, e-ID còn được dùng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như bảo hiểm y tế, thanh toán điện tử, ký kết hợp đồng, mã khoá điện tử, mua tàu điện và thậm chí là bỏ phiếu.

Cách hoạt động của thẻ căn cước điện tử.
Theo Economist, thông qua thẻ căn cước điện tử, chính quyền Estonia có thể cung cấp 600 dịch vụ điện tử công và 2.400 dịch vụ điện tử cho doanh nghiệp. Năm 2011, Estonia là nước đầu tiên trên thế giới cho bỏ phiếu qua di động (m-Voting) trong các cuộc bầu cử Quốc hội. Khi đó, 3% tổng số phiếu được thực hiện qua điện thoại. Năm 2017, con số này tăng lên 30%, cho thấy sự phổ biến của dịch vụ công trực tuyến cũng như lòng tin của người dùng vào chính phủ điện tử.

Sau Estonia, hàng loạt quốc gia châu Âu cũng định danh số công dân bằng căn cước điện tử. Ở châu Á, nhiều nước như Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc... cũng sớm phát hành thẻ căn cước điện tử với cách thức hoạt động tương tự.

Lợi ích của thẻ căn cước điện tử là chính quyền dễ dàng tra cứu, định danh công dân và triển khai các dịch vụ số. Người dân có thể nhanh chóng tiếp cận tiện ích xã hội, từ y tế đến giáo dục, giảm đáng kể thủ tục giấy tờ truyền thống. Tuy nhiên, căn cước điện tử chưa thực sự phổ biến trên toàn cầu do cần đầu tư nhiều về cơ sở hạ tầng và nền tảng công nghệ. Định danh điện tử cũng kéo theo những vấn đề khác về lưu trữ, bảo mật cũng như phát triển hệ sinh thái ứng dụng đi kèm.

Định danh qua thiết bị di động
Song song với thẻ căn cước điện tử, năm 2018, Trung Quốc hợp tác với nền tảng ví điện tử Alipay để thí điểm cấp thẻ căn cước số và mã QR tại một số thành phố lớn của tỉnh Chiết Giang, sau đó mở rộng ra nhiều nơi khác. Bằng cách quét mã QR trên điện thoại, người dân có thể đặt phòng, mua vé tàu, sử dụng các dịch vụ công mà không cần mang theo thẻ căn cước cứng hoặc ví tiền.

Theo Xinhua, dù mất điện thoại, người dân cũng ít khả năng bị lộ thông tin cá nhân vì các thao tác như mở ứng dụng Alipay hoặc quét mã QR đều yêu cầu trải qua bước quét vân tay hoặc nhận diện khuôn mặt.

Để kích hoạt mã QR, người dân cần tới trụ sở công an địa phương, quét nhận diện khuôn mặt để nhận căn cước số và mã QR vào tài khoản AliPay trên điện thoại. Định danh công dân qua thiết bị di động được đánh giá hoạt động khá hiệu quả ở Trung Quốc. Mỗi người muốn sử dụng các dịch vụ, ứng dụng Internet phổ biến đều cần một số điện thoại để kích hoạt. Từ số điện thoại này, cơ quan quản lý có thể tra cứu và kiểm soát nhiều thông tin quan trọng của người dùng, từ tài khoản mạng xã hội cho đến ví điện tử...

Trong Covid-19, người dân Trung Quốc được yêu cầu khai báo y tế, lịch sử đi lại qua ứng dụng thanh toán phổ biến như Alipay, Tencent. Mọi thông tin khai báo sẽ được duyệt bởi nhà chức trách. Kết quả về sức khoẻ và lịch trình di chuyển sẽ được gắn với màu đỏ, vàng, xanh của mã QR. Cơ quan chức năng có thể dựa vào màu hiển thị trên mã QR này để biết người nào có nguy cơ lây nhiễm cao.

Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất triển khai định danh số công dân bằng di động. Năm 2007, Estonia ra mắt Mobile-ID - tiện tích mở rộng của căn cước điện tử, cho phép định danh, xác thực giao dịch trực tuyến... trên điện thoại mà không cần đầu đọc thẻ. Hệ thống hoạt động dựa trên thẻ sim đặc biệt do nhà mạng cung cấp. Các mã khoá cá nhân được lưu trên sim cùng một ứng dụng có chức năng xác thực và chữ ký số. Mobile-ID tiện lợi vì dùng được trên cả điện thoại, máy tính bảng, máy tính, tương thích với điện thoại phổ thông lẫn smartphone. Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất là vấn đề bảo mật, vì người dùng phải tự bảo vệ dữ liệu trên điện thoại của mình. Nguy cơ từ những ứng dụng, phần mềm lừa đảo trên smartphone ngày càng nhiều.

Một ứng ứng dụng di động khác là Smart-ID cho phép Estonia định danh số cho bất kỳ công dân nào không có sim trên thiết bị. Với ứng dụng này, người dân có thể đăng nhập các dịch vụ tài chính trực tuyến, xác thực giao dịch và thoả thuận. Smart-ID chỉ cần mạng Wi-Fi.

Hiện chưa có mô hình định danh số công dân nào hoàn hảo, có thể áp dụng cho mọi quốc gia. Mỗi nước, tuỳ vào đặc thù riêng về mặt bằng dân số, cơ sở hạ tầng, điều kiện kinh tế sẽ lựa chọn những hình thức phù hợp. Theo Economist, việc định danh số công dân cần dựa trên ba phương diện: sự sẵn sàng của nền tảng số bao gồm cơ sở hạ tầng, hệ sinh thái ứng dụng, cũng như những vấn đề về bảo mật, an toàn thông tin; sự phối hợp liên ngành và hợp tác trong khu vực công - tư và quan trọng nhất là sự tham gia của người dân.
 
Theo vnexpress

Viết bình luận

Xem các tin khác