Công đoàn VTC hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS 2019

05/12/2019 | thao.truong
Thích
251 Xem 0 thích 0 Bình luận
Thực hiện văn bản số 373/BTGTLĐ ngày 30/10/2019 của Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc triển khai Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2019, Công đoàn Tổng công ty VTC hưởng ứng chủ trương qua công tác phối hợp với chuyên môn thực hiện truyền thông nội bộ nhằm tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS đến từng công đoàn viên trong Tổng công ty.

Với chủ đề “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS”, Tháng hành động năm nay diễn ra từ ngày 10/11 đến ngày 10/12/2019 nhằm thực hiện được mục tiêu của “Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030" và “Phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS”; nâng cao nhận thức nhằm thay đổi hành vi có hại, thực hiện hành vi an toàn trong dự phòng lây nhiễm; tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội; đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Kế hoạch hoạt động của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019 phải phù hợp với chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị, đặc biệt cần tập trung hoạt động tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị cơ sở. Đa dạng hóa các loại hình truyền thông: Tập huấn, hội thảo, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt ngoại khóa, mít tinh ra quân biểu dương lực lượng, treo băng rôn khẩu hiệu tại cổng ra vào cơ quan, các công trường thi công, các cơ sở đào tạo, và trên các phương tiện giao thông... Chủ động phối kết hợp hoạt động giữa các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Công đoàn, Đoàn thanh niên nhằm nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia công tác phòng, chống HIV/ADDS tới mọi cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành Giao thông vận tải, đặc biệt là tới các đối tượng có nguy cơ cao, người lao động di biến động, học sinh, sinh viên...

Kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm nay, cách đây ít ngày UNAIDS (Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS) vừa công bố một báo cáo toàn cầu trong đó nổi rõ lên sức mạnh của việc chung tay hành động, với cộng đồng ở trung tâm của đáp ứng với dịch HIV. Báo cáo cho thấy đóng góp của mỗi người trong chúng ta đều có ý nghĩa tạo nên sự khác biệt, thúc đẩy tiến bộ trong phòng chống HIV. Chính nỗ lực tổng hòa của toàn xã hội, từ những nhà lãnh đạo cấp cao đến những nhóm cộng đồng và tất cả mọi người dân, mọi thành phần trong xã hội, đã tạo nên sức mạnh lớn lao của công cuộc phòng chống HIV/AIDS của chúng ta trong những năm qua, và sẽ tiếp tục đóng vai trò quyết định trong tương lai để chúng ta có thể bảo đảm được rằng không một người dân nào bị bỏ lại phía sau.

Trong những ngày của tháng 12 này, cùng với cả nước, các hoạt động diễn ra tại nhiều đại phương, ban ngành... nhằm hướng tới đạt được mục tiêu 90-90-90 mà Việt Nam đã cam kết với Liên Hợp Quốc, nhằm tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.

Điều đó có nghĩa là: 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người được chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị; 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng virus kiểm soát được lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.

Các mục tiêu 90-90-90 có liên quan mật thiết với nhau. Từ tiếp cận với những người có hành vi nguy cơ cao để tư vấn, dự phòng lây nhiễm HIV và tạo cơ hội tiếp cận các dịch vụ xét nhiệm HIV. Khi một người được chuẩn đoán nhiễm HIV cần được kết nối với dịch vụ điều trị ARV và duy trì tốt việc tuân thủ điều trị.

Nếu đạt được 3 mục tiêu quan trọng này thì chúng ta có thể phát hiện được hầu hết những người nhiễm HIV trong cộng đồng; điều trị được hầu hết những người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt, giảm tối đa khả năng lây nhiễm HIV cho người khác, người đã nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh.

Việt Nam, nhờ có sự lãnh đạo, cam kết và hành động mạnh mẽ trong phòng chống HIV những năm qua, đã đạt được kết quả giảm 65% số ca nhiễm HIV mới trong giai đoạn 2010 – 2018, đây là bước tiến lớn nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong việc khống chế sự lây lan của HIV. Năm 2019 cũng đánh dấu 20 năm chương trình điều trị kháng HIV ở Việt Nam, chương trình đã không ngừng mở rộng độ bao phủ trên toàn quốc, cứu sống được rất nhiều sinh mạng và liên tục có những bước phát triển vững chắc. Việt Nam cũng là một điểm sáng trong khu vực với việc nhanh chóng áp dụng các sáng kiến mới nhằm mang đến nhiều lựa chọn hơn trong sử dụng dịch vụ cũng như thúc đẩy việc tiếp cận dễ dàng hơn tới các dịch vụ phòng chống HIV thân thiện với khách hàng. Có thể kể đến các dịch vụ như xét nghiệm không chuyên do cộng đồng thực hiện, tự xét nghiệm, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm, điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện gồm Methadone và Buprenorphin. Những dịch vụ này đều đang được nhanh chóng mở rộng độ bao phủ, không chỉ giúp cộng đồng ở Việt Nam khỏe mạnh hơn, sống tốt hơn, mà còn giúp đưa ra những bài học kinh nghiệm quí báu cho các quốc gia khác học hỏi. Việt Nam đã tiến một bước dài hướng tới duy trì bền vững.
M.Thảo (t/hợp)

Viết bình luận

Xem các tin khác