Kỹ năng đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão

10/08/2020 | ngoc.vu
Thích
364 Xem 0 thích 0 Bình luận
Ngày 03/8/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông có Quyết định số 1329/QĐ-BTTTT ban hành Kế hoạch truyền thông về phòng, chống thiên tai - Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng từ năm 2021 đến năm 2025.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh ứng phó thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố trong việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai của các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp và người dân; nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai của toàn dân.

Về nội dung tuyên truyền cần tập trung thông tin các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Chính phủ về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Tuyên truyền cho người dân các kỹ năng ứng phó trước các tình huống của thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, chủ động phối hợp với chính quyền về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Thông tin việc triển khai các giải pháp thực hiện phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ở các địa phương như: đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập, khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực trọng yếu, di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét,…

Theo đó, Trung tâm truyền thông TCT  chia sẻ một vài kỹ năng đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão tới CBNV trong toàn TCT:

Nhiều tai nạn mùa mưa bão khiến những con đường ngập nước trở nên đáng sợ. Nắm được những quy tắc cơ bản có thể giúp tránh phần nào tổn thất.

Tai nạn điện
Mùa bão, lũ, hệ thống hạ tầng cơ sở, trong đó có hệ thống điện thường bị ảnh hưởng: đứt dây dẫn điện, nghiêng và ngã trụ, cháy nổ các thiết bị điện, nước lũ hoặc sạt lở đất cuốn trôi các trụ điện,… Bên cạnh đó, còn nhiều sự cố như cây ngã vào lưới điện; gió bão cuốn các biển quảng cáo, mái tôn, rơm, rạ vào dây dẫn điện; nước dâng làm ngập và sạt lỡ công trình điện,… gây ra không ít mối hiểm họa, nguy hiểm.

Để phòng tai nạn điện trong mùa mưa bão, nhằm đảm bảo tài sản cũng như tính mạng và sức khỏe, người sử dụng điện cần tuân thủ các nguyên tắc sau: không nên máng dây điện trên cành cây, vách lá, mái nhà… dễ gây chạm chập, cháy nổ; không dựng ăng ten, thả diều gần đường dây điện. Không dùng điện để chống trộm, bẫy chuột, rà cá… Điện có thể giật chết người khi truyền qua nước. Vì vậy, trong mùa mưa lũ, người sử dụng cần kiểm tra hệ thống dây và các thiết bị điện trong nhà, tránh để dột và ẩm ướt ở những nơi có điện; cẩn thận khi dùng máy bơm nước, đèn chiếu sáng ao cá, chuồng trại,…; không đào ao, mương gần cột điện. Không treo, phơi quần áo hoặc các vật dụng khác trên đường dây dẫn điện. Không dùng ngón tay để thử xem có điện hay không mà phải dùng bút thử điện để thử. Khi xây dựng nhà gần đường dây điện, phải chú ý giữ khoảng cách an toàn và phải che chắn, đảm bảo khi kéo vật liệu lên xuống không vi phạm khoảng cách an toàn điện. Bên cạnh đó, người sử dụng nên thường xuyên kiểm tra dây dẫn từ nhà ra cột điện.

Nếu phát hiện có những điểm không đảm bảo an toàn, nên báo ngay cho công ty điện lực. Nếu phần hư hỏng nằm phía dưới đồng hồ điện thì bắt buộc phải cắt cầu dao điện chính rồi mới tiến hành sửa chữa. Không đóng cắt cầu dao, bật công tắc điện khi tay còn ướt hoặc chân không mang dép đứng ở nơi ẩm ướt vì như vậy sẽ rất dễ bị điện giật… Đặc biệt, người bị điện giật trong tình trạng hôn mê, ngừng thở, tim ngừng đập vẫn có thể cứu sống nếu được hô hấp nhân tạo đúng cách và kịp thời. Không nên đắp bùn đất hoặc tạt nước vì có thể dẫn đến tử vong.

Tai nạn đuối nước
Đuối nước là tai nạn thường xảy ra cho các trẻ em, thậm chí cho cả người lớn, nhất là những người sống gần sông, ngòi, hồ đập… Mùa mưa bão thường làm cho nước sông, suối, ao, hồ dâng cao, chảy xiết, làm thay đổi dòng chảy bình thường nên người qua lại các khu vực này rất dễ bị tai nạn. Để phòng chống đuối nước cần lưu ý không đi qua các khu vực ngập nước, chảy xiết; trong mùa mưa bão nếu phải vượt qua các khu vực ngập nước phải có phao cứu sinh, đi nhiều người (để tương trợ nhau lúc cần thiết).

Tai nạn sụp hố ga
Sau những trận mưa rào, nhiều tuyến phố thường úng ngập khiến các chủ phương tiện khá vất vả khi lưu thông trên đường. Đáng lo ngại hơn cả là khi lòng đường ngập nước, đã có không ít vụ sập hố ga mất nắp xảy ra, dẫn tới người tham gia giao thông thiệt mạng. Vào những ngày mùa mưa bão về, mối lo này càng được nhân lên bởi khi đường phố ngập trắng nước, người tham gia giao thông không biết đâu là đường, đâu là hố ga để tránh. Trong mùa mưa, nước ngập chảy về, miệng cống thường xuất hiện xoáy nước và lực hút rất mạnh. Do vậy, nếu người đi đường không cẩn thận sẽ bị hút trôi xuống ngay lập tức. Đã có không ít những vụ sập hố ga mất nắp, dẫn tới việc người tham gia giao thông bị cuốn vào dòng nước và thiệt mạng.  Đường ngập nước sẽ ngăn cản tầm nhìn của xe. Không chỉ những hố ga tử thần gây hiểm họa mà những chướng ngại vật chìm trong vùng nước ngập là nguy cơ gây tai nạn rất cao cho người tham gia giao thông. Có lẽ để tránh được những nguy hiểm đang rình dập trên, biện pháp an toàn nhất là mọi người nên hạn chế ra đường trong mùa mưa bão ngập lụt này.

Tai nạn cây đổ, sét đánh
Cây xanh đổ sập đang là mối nguy hiểm đe dọa người dân khi mùa mưa bão đang đến gần. Thực tế cho thấy sau mỗi trận mưa dông kéo theo rất nhiều cây đổ và thiệt hại về người và của. Để hạn chế tai nạn do cây đổ gây ra, mọi người nên hạn chế ra đường lúc mưa bão, hoặc nếu phải ra ngoài thì không trú mưa dưới những gốc cây to. Ngoài ra, bạn cũng nên đề phòng khi trời mưa bão sấm chớp, tuyệt đối không nên ra đường, hoặc trú mưa dưới góc cây dễ bị sét đánh; không mang theo những vật dẫn điện bên người như dụng cụ bằng đồ sắt…
TTTT Tổng hợp

Viết bình luận

Xem các tin khác