Đại biểu Quốc hội ủng hộ giữ quy định thu 2% kinh phí Công đoàn

10/06/2024 | thao.truong
Thích
587 Xem 1 thích 0 Bình luận
(Ông Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng LĐLĐVN trả lời tại Quốc hội)
 
Phát biểu tại tổ về Luật Công đoàn (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị giữ nguyên quy định mức đóng 2% kinh phí Công đoàn theo quy định hiện hành. Nếu không duy trì quy định đóng kinh phí Công đoàn 2%, có nghĩa Công đoàn sẽ phải tính đến một nguồn lực khác để hỗ trợ người lao động.

84% Kinh phí Công đoàn là để chăm lo cho người lao động

Ngày 8.6, tiếp tục chương trình của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV thảo luận tại tổ một số dự án luật quan trọng trong đó có Luật Công đoàn (sửa đổi).

Liên quan đến tài chính Công đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang cho biết, hiện nay về kinh phí Công đoàn, để lại công đoàn cơ sở 75% để các công đoàn cơ sở trực tiếp chăm lo cho đoàn viên và người lao động; 25% phân phối cho 3 cấp còn lại (cấp trên trực tiếp cơ sở, cấp tỉnh, cấp trung ương).

Theo ông Nguyễn Đình Khang, thực chất, cấp trên trực tiếp cơ sở lại quay trở lại chăm lo cho đoàn viên, người lao động vì sẽ có một số công đoàn cơ sở hoạt động không đủ, cấp trên trực tiếp cơ sở sẽ điều tiết, cấp bổ sung lại.

Được biết, việc giữ ổn định quy định về nghĩa vụ đóng kinh phí Công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động (NLĐ) được thực hiện từ năm 1957 đến nay nhằm bảo đảm phúc lợi ổn định cho NLĐ, góp phần làm cho tổ chức Công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ đoàn viên, NLĐ.

Nêu ý kiến thảo luận tại tổ về Luật Công đoàn (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình) đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ phương án quản lý, sử dụng nguồn tài chính công đoàn để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội một cách tiết kiệm, đảm bảo công khai minh bạch, bình đẳng giữa các đối tượng thụ hưởng; Đồng thời làm rõ cơ chế để công nhận người lao động có nhu cầu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định được tiếp cận nhà ở xã hội.

Cũng liên quan đến Luật Công đoàn (sửa đổi), đại biểu Bùi Huyền Mai (đoàn TP Hà Nội) đồng ý duy trì mức kinh phí Công đoàn 2% - quy định này kế thừa nguyên vẹn quy định hiện hành, có đủ căn cứ chính trị, tạo điều kiện nguồn lực đủ mạnh để Công đoàn chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp người lao động, duy trì nguồn lực hiện có. Với 2 phương án phân phối khoản kinh phí Công đoàn, vị đại biểu này cho rằng, nên thực hiện theo phương án 2, quy định cụ thể phân chia kinh phí Công đoàn trong luật.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (đoàn TP Hồ Chí Minh) khẳng định và hoàn toàn ủng hộ quy định về duy trì mức đóng kinh phí Công đoàn 2%. Theo đại biểu, nếu không duy trì quy định đóng kinh phí Công đoàn 2%, có nghĩa công đoàn sẽ phải tính đến một nguồn lực khác để nhận hỗ trợ. Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy cho biết, có một số hiệp hội, doanh nghiệp than thở rằng doanh nghiệp đang khó khăn, phải đóng thêm 2% kinh phí Công đoàn quá tốn kém. Tuy nhiên, vị đại biểu này nói và lấy dẫn chứng nếu chúng ta nhìn lại quá trình suốt gần 3 năm đất nước chống chọi với đại dịch COVID-19, có thể thấy "số tiền Công đoàn chi ra để cùng với doanh nghiệp, cùng với nhà nước chăm lo và hỗ trợ cho người lao động tại chính những đơn vị này là rất lớn".

Cũng theo Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang, thực chất số kinh phí phân phối cho cấp trên trực tiếp của CĐCS cũng quay trở lại chăm lo cho đoàn viên, NLĐ. Thực tế có một số CĐCS được phân phối 75% nhưng không đủ chi cho các hoạt động, đã được Công đoàn cấp trên trực tiếp điều tiết, cấp bổ sung. Vì thế, qua tính toán thực tế, kinh phí chi trực tiếp cho NLĐ lên tới khoảng gần 84%, số còn lại là chi tiêu cho 3 cấp Công đoàn còn lại. Điều này đồng nghĩa kinh phí Công đoàn về cơ bản là để chăm lo trực tiếp cho NLĐ.

Truyền thông VTC (tổng hợp)

Viết bình luận

Xem các tin khác