(Toàn cảnh Hội nghị Toàn quốc về Phát triển các ngành CNVH Việt Nam diễn ra vào ngày 22/12/2023)
Phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam (CNVH) đang được xem là một trong những giải pháp đột phá trong phát triển văn hóa nói riêng, phát triển đất nước nói chung. Ngày 29/8/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg về phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam.
CHỈ THỊ 30/CT-TTg
CNVH không chỉ đem đến giá trị kinh tế, mà những lợi ích khác đến từ chính trị, xã hội, văn hóa,... còn lớn hơn nhiều. Đó là lý do chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa để các ngành CNVH mang lại lợi ích cho sự phát triển bền vững đất nước.
Công nghiệp văn hoá có xuất phát điểm từ khá lâu, nhưng từ năm 2000 trở lại đây, khái niệm các ngành công nghiệp văn hoá (cultural industries) mới được nhắc đến nhiều hơn, và trở thành một trong những trọng tâm phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. CNVH không chỉ đem đến giá trị kinh tế, mà những lợi ích khác đến từ chính trị, xã hội, văn hóa,... còn lớn hơn nhiều. Quan điểm và chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) đã được triển khai ở nước ta khoảng 10 năm nay, nhưng đến nay, những mục tiêu cơ bản nhất của chiến lược này vẫn chưa “cán đích”. Vì vậy, với Chỉ thị số 30/CT-TTg về phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam, CNVH càng được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước trong giai đoạn mới.
Trước đó, năm 2016, theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Chiến lược) xác định 12 ngành CNVH gồm: Quảng cáo; Kiến trúc;
Phần mềm và các trò chơi giải trí; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Điện ảnh; Xuất bản; Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hóa.
Thủ tướng CP Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Trực tuyến Toàn quốc về phát triển các ngành CNVH Việt Nam
Trên thực tế, không phải đợi đến năm 2016 khi ban hành Chiến lược, chúng ta mới có các ngành CNVH. Tuy nhiên, kể từ sau khi ban hành Chiến lược, việc phát triển các ngành CNVH đã có những chuyển biến tích cực, nhất là ở những thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng - 3 thành phố được thiết kế để trở thành trung tâm CNVH của cả nước. Những thành tựu đáng kể như Hà Nội, Hội An, Đà Lạt đã tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, các sự kiện sáng tạo, không gian sáng tạo được “nở rộ” ở các đô thị, hay sự quan tâm nhiều hơn của xã hội đối với các ngành CNVH thông qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm ở các quy mô khác nhau là những ví dụ điển hình như vậy.
CNVH đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: “giá trị tăng thêm (giá hiện hành) của các ngành CNVH đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; năm 2019 ước đạt 6,02%; năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch nên số liệu có sự sụt giảm chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92%; đến năm 2022 các ngành đã bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp có sự tăng trưởng ước đạt 4,04%. Giá trị sản xuất của các ngành CNVH Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD). Giai đoạn 2018-2022, bình quân 5 năm tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành CNVH ước đạt 7,2%/năm; năm 2022 thống kê có khoảng 70.321 cơ sở(1) đang hoạt động có liên quan đến các ngành CNVH. Lực lượng lao động thuộc các ngành CNVH tăng khá nhanh, bình quân 5 năm lao động tăng 7,4%/năm, năm 2022 thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 4,42% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế. Xuất nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ của các ngành CNVH trong giai đoạn 2018-2022 tạo ra giá trị xuất siêu, năm 2018 xuất siêu ước đạt 37 tỷ USD, đến năm 2022 xuất siêu tiếp tục tăng, ước đạt 41,9 tỷ USD”(2).
Trong những lĩnh vực cụ thể, theo báo cáo của các cơ quan chuyên ngành, giai đoạn 2018-2022, cácngành CNVH về cơ bản đã có những đóng góp tích cực với xu hướng phát triển nhanh; tăng về giá trị sản xuất, giá trị gia tăng, nguồn lực lao động, và số lượng cơ sở kinh tế hoạt động... Chẳng hạn như lĩnh vực truyền hình và phát thanh, giá trị sản xuất (theo giá hiện hành) giai đoạn 2018-2022 bình quân tăng 7,52%/năm; giá trị gia tăng bình quân tăng 7,51%/năm. Hệ thống phát thanh, truyền hình trên toàn quốc đã có sự phát triển nhanh cả về số lượng, nội dung và chất lượng chương trình. Tổng doanh thu của các Đài phát thanh, truyền hình năm 2022 đạt khoảng 15.048 tỷ đồng, trong đó doanh thu quảng cáo khoảng 7.565 tỷ đồng...
Có thể thấy, đóng góp của các ngành CNVH đối với nền kinh tế của đất nước là khá lớn. Điều này cũng rất tương đồng so với xu hướng chung của thế giới. Không những thế, phát triển các ngành CNVH hóa còn tạo điều kiện khai thác những giá trị văn hóa dân tộc, giúp tăng năng lực cạnh tranh quốc gia và quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới.
Truyền thông VTC (tổng hợp)
Viết bình luận