Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và Triển khai nhiệm vụ năm 2025

30/12/2024 | manh.le
Thích
127 Xem 0 thích 0 Bình luận

Sáng ngày 29/12/2024, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và Triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc dự và phát biểu chỉ đạo. Theo chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ, Bộ TT&TT và Bộ KH&CN sẽ hợp nhất với nhau và trở thành Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông. Hai Bộ hợp nhất với nhau phải tìm ra được điểm chung cộng lực thì mới mạnh lên. Bộ TT&TT quản lý CNTT, công nghệ số - là cốt lõi, nền tảng cho tất cả các ngành, lĩnh vực khác; công nghệ số là các công nghệ năng động và quan trọng nhất hiện nay.

Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, các Thứ trưởng Bộ TT&TT, lãnh đạo một số Bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo chủ chốt các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ, Giám đốc Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng đại diện các Hội, Hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan báo chí, nhà xuất bản…

 


Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cùng các Thứ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành, và đại diện các đơn vị thuộc Bộ, các tỉnh thành, doanh nghiệp và cơ quan báo chí.

Mở đầu Hội nghị, các đại biểu đã xem video clip báo cáo về các kết quả nổi bật của Bộ TT&TT trong năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, năm 2024, doanh thu toàn ngành TT&TT ước đạt 4.243.984 tỷ đồng, tăng 13,2% so với năm 2023. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 109.478 tỷ đồng, tăng 15,1% so với năm 2023. Đóng góp vào GDP của ngảnh TT& TT ước đạt 989.016 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2023.

ĐỊNH HƯỚNG VÀ NHIỆM VỤ NĂM 2025:

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo Bộ TT&TT tiếp tục đổi mới sáng tạo, xây dựng hạ tầng số và ứng dụng AI để thúc đẩy kinh tế số. Đồng thời, Bộ TT&TT sẽ hợp nhất với Bộ KHCN thành Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông theo Nghị quyết 57, tạo nên lực lượng nòng cốt dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, những số liệu ấn tượng được trình bày tại hội nghị là minh chứng sinh động về sự phát triển của ngành TT&TT, về sự nỗ lực của toàn ngành dưới sự chỉ đạo của Bộ TT&TT. Ông  cũng đánh giá cao công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật của Bộ TT&TT với việc trình Chính phủ 4 Nghị quyết, 6 Nghị định, 8 Quyết định và ban hành 27 Thông tư, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho ngành TT&TT phát triển.

Bên cạnh mặt thuận lợi, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số thách thức, khó khăn mà ngành TT&TT phải đối mặt. Trước tốc độ thay đổi nhanh chóng của công nghệ, hệ thống pháp luật cần được hoàn thiện nhanh hơn, đặc biệt là các cơ chế, chính sách nhằm phát huy nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế. Phó Thủ tướng đặt câu hỏi về việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu của các lĩnh vực công nghệ hiện đại như chip lượng tử, máy tính lượng tử và trí tuệ nhân tạo. Bộ TT&TT phải là tổng tham mưu trưởng cho Chính phủ trong lĩnh vực này, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Về báo chí, Phó Thủ tướng lưu ý cần quản lý chặt chẽ để đảm bảo báo chí là báo chí cách mạng; cần ngăn chặn thông tin xấu độc trên các nền tảng số, nền tảng xuyên biên giới. Hướng tới công cuộc đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Phó Thủ tướng cho rằng ngành TT&TT cần đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng số, ứng dụng AI, công nghiệp công nghệ số.

Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là mệnh lệnh, do vậy trách nhiệm Bộ TT&TT phải thực thi, tạo đột phá nguồn lực thúc đẩy kinh tế phát triển, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Về việc hợp nhất Bộ TT&TT với Bộ Khoa học và Công nghệ theo Nghị quyết 18, Phó Thủ tướng nhận định, Bộ mới – Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông sẽ có sứ mệnh mới, có sức mạnh lớn hơn. Hai Bộ có điểm chung là Công nghệ, sắp tới sẽ trở nên mạnh hơn, sâu hơn, thực hiện công tác quản lý hiệu quả hơn, Phó Thủ tướng kỳ vọng.

Hội nghị cũng chính thức ra mắt Mạng lưới truyền thông chính sách trên toàn quốc, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong công tác truyền thông.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trao bằng khen cho 22 đơn vị có thành tích xuất sắc trong truyền thông chính sách và 32 tập thể, 48 cá nhân đóng góp vào lộ trình dừng công nghệ 2G, thể hiện sự ghi nhận đóng góp tích cực vào sự phát triển ngành.
 

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chứng kiến mạng lưới truyền thông chính sách trên toàn quốc mới được ra mắt
 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, theo chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ, Bộ TT&TT và Bộ KH&CN sẽ hợp nhất với nhau và trở thành Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông. Hai Bộ hợp nhất với nhau phải tìm ra được điểm chung cộng lực thì mới mạnh lên. Bộ KH&CN quản lý về phát triển công nghệ nói chung. Bộ TT&TT quản lý CNTT, công nghệ số - là những công nghệ cốt lõi, nền tảng cho tất cả các ngành, lĩnh vực khác, công nghệ số là các công nghệ năng động và quan trọng nhất hiện nay. Tên của Bộ TT&TT thực ra là Bộ Công nghệ thông tin và Truyền thông, nhưng vì Quốc hội thấy 2 bộ đều có chữ "công nghệ" nên cắt đi chữ "công nghệ" và tên Bộ trở thành Bộ TT&TT. Công nghệ chính là điểm chung, tạo ra sự hiệp lực, cộng lực và cộng hưởng của hai Bộ. Chữ "truyền thông" trong cả tiếng Việt và tiếng Anh đều có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là viễn thông, nghĩa thứ hai là Media, là các phương tiện truyền thông như báo chí, phát thanh truyền hình, truyền thông xã hội. Tên mới của Bộ hợp nhất là Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông vừa bao quát được hết các lĩnh vực của hai Bộ, lại vừa thể hiện được cái cộng lực, cộng hưởng của hai Bộ là công nghệ.

Phát triển công nghệ thì chủ yếu là ở doanh nghiệp. Trên 50.000 doanh nghiệp công nghệ số thuộc quản lý của Bộ TT&TT nay sẽ được tiếp cận nhanh hơn với các kết quả nghiên cứu của Bộ KH&CN. Làm cho KHCN gần hơn với doanh nghiệp, đưa nhanh hơn kết quả nghiên cứu KHCN thành các sản phẩm phục vụ cuộc sống.

Hai Bộ hợp nhất với nhau sẽ thành một Bộ mới rất quan trọng, rất lớn của đất nước. Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 57, đúng vào dịp 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 22-12-2024. Đây là Nghị quyết chuyên đề đặc biệt quan trọng về Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, với nhiều quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp lớn có tính cách mạng, giống như Nghị quyết Khoán 10 cho nông nghiệp cách đây 40 năm, nhưng lần này là cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Bộ mới hợp nhất, Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông sẽ là lực lượng nòng cốt để hiện thực hoá Nghị quyết đặc biệt quan trọng này.

Nghị quyết 57 xác định, bộ 3 khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là 3 trụ cột chính để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Trong đó, khoa học, công nghệ là nền tảng, nó tạo ra tri thức và công cụ. Đổi mới sáng tạo là động lực, nó chuyển hoá các tri thức mới, công cụ mới thành ý tưởng, giải pháp. Chuyển đổi số là hiện thực hoá tri thức, công cụ, ý tưởng, giải pháp thành sản phẩm, dịch vụ và phổ cập vào cuộc sống để tạo ra giá trị thực tế. Trong bộ 3 này thì đổi mới sáng tạo cũng là điểm chung của 2 Bộ. Đổi mới sáng tạo là cầu nối giữa khoa học, công nghệ và chuyển đổi số. Khoa học, công nghệ cần đổi mới sáng tạo để thúc đẩy ứng dụng. Chuyển đổi số cũng cần đổi mới sáng tạo để thay đổi cách thức vận hành, quản trị và sáng tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới.

Nghị quyết 57 nhấn mạnh tầm quan trọng của làm chủ KHCN để làm chủ tiến trình chuyển đổi số Việt Nam. Giao các doanh nghiệp nòng cốt làm các dự án lớn về chuyển đổi số, giao các doanh nghiệp nòng cốt làm chủ các công nghệ chiến lược. Đây là một mũi tên trúng 2 đích: Vừa làm chủ tiến trình, công nghệ chuyển đổi số và vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ lớn của đất nước. Từ nay, các doanh nghiệp Việt Nam phải nhận lấy sứ mệnh Việt Nam.

Sự kiện Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, cho thấy việc chuyển đổi số Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn phát triển đột phá. Và chúng ta kỳ vọng chuyển đổi số sẽ góp phần đặc biệt quan trọng để Việt Nam vươn mình mạnh mẽ, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
 
Truyền thông VTC 

Viết bình luận

Xem các tin khác