Tin nhắn lừa đảo giả mạo ngân hàng xuất hiện trở lại

10/04/2023 | ngoc.vu
Thích
1896 Xem 0 thích 0 Bình luận
Vài ngày qua, nhiều người dùng phản ánh rằng tình trạng tin nhắn lừa đảo mạo danh ngân hàng đã quay trở lại.

"Ứng dụng VCB DIGIBANK của bạn được phát hiện kích hoạt trên thiết bị lạ. Nếu không phải bạn kích hoạt vui lòng bấm vào https://vietcombank.vn-ms.top để đổi thiết bị hoặc hủy để tránh mất tài sản", đây là nội dung tin nhắn lừa đảo mà một người dùng nhận được.

Theo đó, khi truy cập vào đường dẫn trong tin nhắn, người dùng sẽ được chuyển đến một trang web có giao diện giống với trang web của ngân hàng Vietcombank. Tại đây, trang web sẽ yêu cầu người dùng đăng nhập thông tin tài khoản ngân hàng và mật khẩu.

Trong một đoạn tin nhắn lừa đảo khác mạo danh ngân hàng SHB, những kẻ lừa đảo còn đưa ra cảnh báo giả để đe dọa người dùng.

"Tài khoản của bạn đã đăng ký chương trình quảng cáo trên TikTok, mỗi tháng thu phí 3,600,000 VND. Vui lòng vào https://shb.vn-ibs.xyz để kiểm tra hoặc để hủy", nội dung lừa đảo được gửi tới các khách hàng của ngân hàng SHB.

Có thể thấy, điểm chung của những tin nhắn lừa đảo trên là đánh vào nỗi sợ của người dùng. Kẻ gian đã thiết lập sẵn một số trang web giả mạo có giao diện và màu sắc giống với trang web của ngân hàng. Từ đó, chúng sẽ đánh cắp được thông tin đăng nhập và tài khoản ngân hàng của nạn nhân.

Hiện tại, các trang web lừa đảo này đã bị vô hiệu hóa và không thể truy cập được. Tuy nhiên, còn rất nhiều trang web giả mạo các ngân hàng khác vẫn đang tồn tại.

Trên thực tế, chiêu trò lừa đảo này không mới và đã xuất hiện rất nhiều từ năm 2021. Không ít người đã trở thành nạn nhân của trò lừa đảo này và bị chiếm đoạt tài sản hàng trăm triệu đồng.

Những đối tượng lừa đảo có thể mạo danh tin nhắn từ nhiều ngân hàng khác nhau như Vietinbank, Vietcombank, TPbank hay ACB. SMS Brandname là dịch vụ tin nhắn hiển thị tên các tổ chức, doanh nghiệp, gửi đến thuê bao di động của người dùng.

Tuy nhiên, lợi dụng lỗ hổng của dịch vụ này, các đối tượng lừa đảo đã mạo danh hàng loạt tổ chức, doanh nghiệp để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của không ít người dùng trong thời gian qua.

Những tin nhắn lừa đảo thường sẽ chứa nội dung cảnh báo người dùng về tình trạng tài khoản cá nhân của họ bị đăng nhập trái phép. Để kiểm tra tình trạng tài khoản, khách hàng cần phải đăng nhập vào một đường link gửi kèm. Sau khi thực hiện theo những hướng dẫn này, người dùng sẽ bị chiếm đoạt toàn bộ tài sản, đồng thời có thể mất quyền kiểm soát tài khoản.

Để tránh sập bẫy của những đối tượng lừa đảo, người dùng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản hay mật khẩu trong bất cứ trường hợp nào. Trong trường hợp không may rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo, người dùng cần liên hệ ngân hàng đang sử dụng sớm nhất có thể để nhận được sự hỗ trợ.

Theo Dân trí

Viết bình luận

Xem các tin khác