Thực hiện Kế hoạch truyền thông năm 2024 của Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối DNTW, trong đó có nhiệm vụ tuyên truyền về biển đảo. Truyền thông VTC xin gửi đến Đại gia đình VTC bài viết của anh Nguyễn Thanh Lan - Công ty VTC Digital trong chuyến công tác tại quần đảo Trường xa cách đây 10 năm - nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm sâu sắc về sản phẩm dịch vụ và công nghệ VTC. Bài viết cũng thể hiện bầu nhiệt huyết, dấn thân của tuổi trẻ VTC với quyết tâm vượt qua khó khăn, hoàn thành mục tiêu trong sản xuất kinh doanh.
Được Tổng giám đốc lựa chọn đi thay anh trong chuyến công tác “Đến với Trường Sa thân yêu” do Bộ TT&TT tổ chức từ ngày 19 đến ngày 28/4/2014, tâm trí tôi lẫn lộn giữa bộn bề công việc chuyên môn còn dang dở với niềm vinh dự, tự hào, xốn sang vì may mắn lần này - tôi sẽ được đặt chân lên những hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc, nơi mà nhiều người mơ ước được tới một lần trong đời.
Hành trình đến với Trường Sa
Sau cuộc họp sáng ngày 19/4 tại hội trường của Sở chỉ huy Vùng 4 Hải quân về kế hoạch chi tiết lịch trình của Đoàn công tác số 5, tôi cùng cả đoàn nhanh chóng về nhà khách Bộ tư lệnh Hải quân Vùng 4 để chuẩn bị tư trang và các đồ dùng cần thiết trước khi lên tầu. Đến 16h cùng ngày, đoàn hoàn tất mọi thủ tục để di chuyển xuống tàu HQ 561 - con tàu được ví là “bệnh viện nổi” hiện đại nhất Việt Nam.
Tàu rẽ sóng, trái tim tôi thổn thức, mắt luôn hướng về mũi tàu, hồi hộp chờ đợi giây phút nhìn thấy đảo. 37 giờ lênh đênh trên biển, vượt qua 295 hải lý tương đương với hơn 500 km, một phần máu thịt của tấc đất quê hương nơi nghìn trùng sóng vỗ cũng hiện ra trước mắt chúng tôi. Đó là lúc 4h30 ngày 21/4, tôi bị đánh thức bởi tiếng một ai đó ngoài mạn tàu: “Đến rồi, đến rồi! Đẹp quá!”.
Tôi vùng dậy, lao ra mạn trái con tàu cùng mọi người hướng mắt về phía xa, nơi Đảo Đá Lớn - là đảo chìm trong số các đảo mà đoàn công tác sẽ tới thăm - đang mờ ảo trên nền sẫm đen của biển cả. Dưới chân tàu, sóng lăn tăn, thỉnh thoảng có những chú cá chuồn lao tanh tách, cùng những chú cá heo tung tăng bơi lội trên mặt biển như muốn gửi lời chào tới đoàn công tác.
5h30, loa phóng thanh vang lên trên tàu: “Toàn tàu báo thức. Báo thức toàn tàu!”. Và rồi giờ phút khát khao, mong đợi bao lâu của tôi cũng đã tới khi được đặt chân lên Đảo Đá Lớn. Toàn bộ cán bộ chiến sĩ trong quân phục hải quân chỉnh tề đứng thành hàng ngay trên bến cảng đón từng người chúng tôi.
Gọi là Đảo Đá Lớn nhưng diện tích đảo chỉ khoảng 50m2, mặt sàn được xây dựng theo kiến trúc đặc thù giống như khối hộp hình lăng trụ đứng khổng lồ nhằm mục đích tránh gió bão. Có đến mới thấu hiểu hết những khó khăn vất vả của những người lính đảo đang ngày đêm canh gác cho sự bình yên của Tổ quốc trên hòn đảo này. Nó quá chật hẹp cho gần 20 con người sống và làm việc trên đảo. Nó thiếu thốn từ nước ngọt khi mỗi người chỉ được 20 lit/ngày đến các nhu yếu phẩm khác, đặc biệt là rau xanh. Đảo đã cố gắng tăng gia trồng trọt nhưng những cây rau nơi đầu sóng ngọn gió, luôn gầy guộc, khô héo. Không chỉ thiếu thốn về thực phẩm, các chiến sĩ đảo còn thiếu thốn cả về đời sống tinh thần, thông tin liên lạc bởi điện và truyền hình ở đây rất hạn chế.
Mang sóng VTC đến với đảo
Là 1 trong 10 Gương mặt trẻ VTC tiêu biểu năm 2013 và được Lãnh đạo Tổng công ty chọn đi công tác tại quần đảo Trường Sa, với tôi không chỉ là vinh dự mà còn là nhiệm vụ lớn lao.
Trong những phần quà mang ra Trường Sa có món quà tinh thần vô cùng ý nghĩa mà Tổng công ty dành tặng các chiến sĩ trên các điểm đảo và nhà dàn DK; đó là 70 bộ đầu thu VTC-HD7, công việc của tôi là lắp đặt chảo, kết nối tín hiệu truyền hình vệ tinh VTC-HD và hướng dẫn các chiến sỹ sử dụng đầu thu. Sau khi báo cáo với Trưởng đoàn - Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng và Phó Trưởng đoàn - Chuẩn đô đốc, Phó chính ủy Quân chủng Hải Quân Nguyễn Ngọc Tương, tôi đã nói rõ nhiệm vụ của mình.
Ngay khi đặt chân lên Đảo Đá Lớn, được sự đồng ý của Trưởng Đảo, tôi lập tức bắt tay vào công việc, đeo đồ nghề và leo lên mái nhà Hội trường. Sau chừng nửa giờ đồng hồ khoan, đục, xoay chảo, chỉnh dò tín hiệu công việc cũng hoàn thành.
Khi tôi thực hiện việc kết nối tín hiệu với sóng vệ tinh, có cả chục chiến sĩ đứng vây quanh tôi chờ đợi. Tất cả sau đó reo lên “Kết nối được rồi! Truyền hình VTC “nét quá, đẹp quá!” khi Kênh VTC3HD hiện lên trên màn hình. Nhìn các chiến sĩ vui, tôi cũng vui theo. Tôi đùa: “Các anh vui là em sướng rồi!”
Tôi không quên hướng dẫn các chiến sỹ trên đảo thực hành chỉnh chảo, phòng khi mất tín hiệu do mưa bão. Để chắc chắn hơn, tôi ghi chép các thông số kỹ thuật và để lại cả số điện thoại cho các chiến sĩ có thể liên lạc nếu gặp sự cố.
Niềm vui cứ lâng lâng trong tôi mãi khi tôi rời Đảo Đá Lớn. Tôi vui không chỉ bởi sóng truyền hình VTC đã đến nơi đảo xa mà còn bởi tôi đã gửi gắm được tình cảm và tinh thần xung kích của người VTC nói chung và cá nhân tôi nói tiêng tới các anh. Qua đó góp một phần công sức nhỏ bé mang tới người bạn tinh thần cho các chiến sĩ trên đảo sau những giờ canh giữ biển trời quê hương vất vả.
Là “người lính” VTC, với gần 10 năm công tác ở đơn vị và tham gia công tác Đoàn tôi đã được VTC hun đúc, đào tạo trở thành một thanh niên luôn xung kích, vượt khó, đầy nghị lực, không ngại khó khăn vất vả. Đã trải qua nhiều địa hình, địa thế khi làm nghề nhưng có lẽ, cái cảm giác lắp đặt chảo trên các nhà giàn DK giữa biển khơi là điều ấn tượng nhất với tôi đến lúc này.
Nhà giàn cao cheo leo đến chóng mặt và tìm được chỗ để khoan không hề đơn giản. Mấy anh lính nhà giàn được phân công hỗ trợ tôi, thấy tôi đầm đìa mồ hôi, loay hoay tìm chỗ lắp cũng ái ngại mà nói: “Anh cứ hướng dẫn kỹ để bọn em lắp sau cũng được ạ!”.
Nhưng tôi nhất định không. Tôi muốn đích thân mình kết nối thành công sóng truyền hình VTC tới các anh. Cứ nghĩ đến hình ảnh các chiến sĩ tươi cười khi các kênh sóng của VTC hiện lên trên màn hình cùng những tràng vô tay ăn mừng là tôi quên đi mọi khó khăn, vất vả. Trước đó, tôi cũng đã chia sẻ với anh Lê Đức Sảo và anh Mai Ánh Hồng đi cùng đoàn rằng, “để anh em chiến sĩ ngoài đảo có thêm người bạn tinh thần qua truyền hình VTCHD thì có vất một chút, em chẳng ngại”. Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, Trưởng Đoàn công tác, nhìn thấy tôi “lăn lộn” với những đầu chảo cũng bắt tay và động viên: “Đúng là lính VTC!”.
Điểm đến cuối cùng trên hành trình của chúng tôi là Đảo Trường Sa Lớn – hòn đảo duy nhất trong suốt hành trình tàu có thể cập được bến (các đảo khác phải di chuyển vào bằng cano từ chỗ tàu neo đậu khoảng 2km).
8h ngày 25/4, tàu HQ 561 cập cảng Trường Sa Lớn. Sau lễ chào cờ, Thủ trưởng Đoàn công tác duyệt binh và khai mạc triển lãm “Trường Sa, Hoàng Sa: những bản đồ và tư liệu, chứng cứ lịch sử”, rồi cắt băng khánh thành điểm bưu điện văn hóa đảo, tôi cũng bắt đầu công việc quen thuộc của mình. Trên đảo Trường Sa Lớn, tôi có nhiệm vụ lắp tất cả 06 bộ đầu chảo cho các chiến sỹ.
Dưới cái nắng như thiêu như đốt, lần đầu tiên tôi mới thấm thế nào là nắng Trường Sa. Không một làn gió, cái nắng như táp vào mặt, nóng đến bỏng rát. Áo tôi ướt đẫm mồ hôi nhưng bàn tay thì không ngơi nghỉ. Tôi tự nhủ những gì mình đang trải qua chỉ là vài phút, vài giờ, chẳng là gì so với những vất vả, hy sinh thường nhật của người lính nơi đây, thậm chí những vất vả hy sinh ấy còn kéo dài cả năm, cả một đời người.
Tôi bước chân vào ngôi nhà VTC từ năm 2006 và sớm thấm nhuần truyền thống phát triển đầy tự hào của Tổng công ty VTC trên chặng đường gần 30 qua. Hình ảnh những “người lính VTC” không quản hiểm nguy, gian khó, in dấu chân trên mọi nẻo đường của Tổ quốc để thực hiện thành công “Cuộc cách mạng số hóa truyền hình” ở Việt Nam luôn là động lực để những người trẻ như tôi phấn đấu. Và tôi cũng tự hào khi vừa tiếp bước những người đi trước, góp phần mang sóng truyền hình VTC đến với Trường Sa, nhanh hơn, rộng hơn.
Anh ‘điều chỉnh viên’ trên tàu HQ 561
Một đêm trên tàu HQ 561, trong chuyến hành trình đến với “Trường Sa thân yêu” có đêm diễn ra trận bán kết lượt về Champions League mùa giải 2013-2014 giữa Bayer Munich và Real Madrid. Trên tàu, mỗi phòng đều được lắp một chiếc TV xem được các kênh truyền hình từ hệ thống đầu thu vệ tinh và trộn tín hiệu chuyển xuống các phòng nhưng không thu được hình ảnh. Các thành viên đoàn đều nghiện bóng đá, cứ nháo nhác hỏi nhau về việc làm thế nào để xem được trực tiếp trận cầu đinh đêm hôm ấy.
Thấy “anh em” sốt ruột, tôi nói với anh Mai Ánh Hồng, Phó chánh Văn phòng Bộ TT&TT ngày ấy: “Các bác chờ tý, để em lên hệ thống điều khiển xem sao”. Sau một hồi tìm hiểu thông tin từ thuyền trưởng tàu HQ561 Nguyễn Văn Cường thì được biết, trên tàu có 8 bộ đầu HD08 của VTC dùng để trộn tín hiệu và chia hình ảnh các kênh sóng xuống các phòng. Sau khi tìm hiểu, hệ thống đầu thu dùng để trộn tín hiệu đều đã hết hạn thuê bao, hơn nữa những kênh ưa thích nhất lại không được cài đặt và đưa vào hệ thống trung tâm để xử lý trộn tín hiệu.
Vốn là dân trong nghề tôi liền trổ tài “cứu” cả tàu một bàn thua trông thấy. Tôi điện thoại vệ tinh về Hà Nội và lần lượt mở thuê bao cho 8 đầu thu, và đặt lại những kênh có lượng khán giả xem nhiều nhất: VTC1HD, VTC2HD, VTC3HD, VTV1HD, VTV3HD, HBOHD, STARMOVIE HD, TTXVN, QPVN…cho 8 đầu thu này từ hệ thống trung tâm. Xong việc, tôi xin phép thuyền trưởng Nguyễn Văn Cường cho tôi thông báo bằng bộ đàm xuống toàn tàu.
“Toàn tầu chú ý, toàn tầu chú ý” - tôi hào hứng nói dõng dạc vào bộ đàm. “Tôi - Nguyễn Lan - là lính VTC đây, xin thông báo đến toàn tàu, chỉ lát nữa thôi tôi sẽ kết nối tín hiệu truyền hình tới tất cả các phòng trên tàu và đặc biệt trận cầu đinh tối nay giữa Bayer Munich và Real Madrid cũng sẽ được tường thuật trực tiếp trên tàu”.
Thông báo vừa dứt lời, những tiếng vỗ tay lập tức vang lên, mọi người vỡ òa như thể vừa có một bàn thắng được ghi cho đội bóng mình mến mộ. Trong tiếng vỗ tay ấy, tôi một lần nữa thấy công việc mình làm đôi khi dù nhỏ nhưng lại mang nhiều ý nghĩa.
Sau cú “ghi bàn” trận bán kết Champions League, tôi còn ghi thêm “bàn thắng” trong mắt cô ca sĩ của Đoàn văn công Hậu Giang với cú chỉnh kênh ca nhạc theo yêu cầu, trong mắt một bác ở Ban Tuyên giáo Trung ương với một kênh mà bác yêu thích...Đêm ấy, tôi là một “điều chỉnh viên” trên tàu HQ561 và tới phòng nào, tôi cũng tự hào giới thiệu “TÔI LÀ LÍNH VTC”.
Nguyễn Lan
Viết bình luận