Chung sống cùng ChatGPT

06/02/2023 | manh.le
Thích
3091 Xem 0 thích 0 Bình luận
Dù mới chỉ được phát hành ở một số ít nước nhưng hai tháng sau khi chính thức được Công ty khởi nghiệp công nghệ OpenAI (Mỹ) ra mắt, đến ngày 31-1-2023, công cụ chatbot siêu trí tuệ nhân tạo (AI) ChatGPT đã thu hút được tới 100 triệu người dùng.

Chưa có một ứng dụng công nghệ nào có được sức thu hút kinh hồn như vậy. Và với ChatGPT, giờ đây AI đã đến tận từng nhà và nằm trong tay người dùng rộng rãi.

Với khả năng của mình, chatbot AI này đã nhanh chóng tác động đa dạng, đa chiều tới cuộc sống xã hội, tốt có, xấu có tùy theo mục đích của người dùng. Nó cũng nhanh chóng làm phát sinh những yêu cầu về những chuẩn mực mới, luật lệ mới cho việc ứng dụng và chung sống với các ứng dụng AI.

Các chuyên gia cảnh báo ChatGPT và các công cụ AI tương tự chỉ nên là công cụ trợ giúp và tham khảo mà yêu cầu sinh tử là người dùng phải biết kiểm chứng các "thành quả" của nó.

Với công nghệ AI ở cấp độ Máy học (ML) và Học sâu (DL) của OpenAI, ChatGPT được hình thành như một chatbot giống như một người thật, có tính thân thiện, nhã nhặn và cố gắng để ngày càng thông thạo ngôn ngữ tự nhiên bản địa. Vì vậy, trên Internet trong thời gian qua đã xuất hiện vô số những màn chơi khăm với ChatGPT và không ít lần siêu AI này bị "sập bẫy tiếng Việt" hay rơi vào những trò "lầy lội", chơi khăm của người dùng.

Trong cơn sốt nóng rừng rực với ChatGPT, chủ yếu do đám đông tò mò, hiếu kỳ tạo nên, giới chuyên môn đã lập tức đưa ra những cảnh báo về việc lợi dụng, lạm dụng ChatGPT vào những ý đồ xấu, thậm chí tội phạm.

Đã có không ít giảng viên đại học, giáo viên trung học ở nước ngoài phải vò đầu bứt tóc khi sinh viên, học sinh nhờ vả ChatGPT viết những bài luận có chất lượng "không điểm 10 cũng phải điểm 9".
Nhà báo Anh Henry Williams kể mình đã thử tài ChatGPT bằng cách đặt chatbot này viết một bài về cổng thanh toán. Chỉ 30 giây sau, ông đã nhận được một bài viết với chất lượng nội dung đạt yêu cầu của ông, mà nếu ông viết được như vậy thì cũng phải mất hàng giờ. Sau khi kiểm chứng và chỉnh sửa lại cho hoàn thiện, nhà báo Henry Williams đã gửi bài báo tới tòa soạn và được xuất bản với mức nhuận bút 615 USD(!).

Chắc chắn, ChatGPT sẽ gây rối loạn cuộc chiến bản quyền tác phẩm và làm điên đầu các biên tập viên ở các báo và nhà xuất bản. ChatGPT còn bị lợi dụng để viết phần mềm độc hại. Chỉ có điều, bất luận thế nào, theo quy luật và xu thế phát triển không ngừng của công nghệ, nhân loại bắt buộc phải chung sống cùng các tiến bộ công nghệ. Thế giới sẽ không phải chỉ có một ChatGPT của OpenAI đâu.

Báo South China Morning Post ở Hong Kong (Trung Quốc) ngày 30-1-2023 giật tít: "Gã khổng lồ tìm kiếm Internet Baidu của Trung Quốc có kế hoạch tung ra một chatbot theo kiểu ChatGPT vào tháng 3-2023".

Không chỉ có bản địa Trung Quốc với hơn 1,4 tỉ dân mà cả cộng đồng người sử dụng tiếng Hoa trên toàn cầu chắc chắn đang chờ ứng dụng siêu AI "Made in China" này.

Tất nhiên, cho dù là siêu AI, ChatGPT cũng chỉ là một công cụ mô phỏng bộ não con người do chính con người tạo ra. Nó cũng chỉ là một công cụ công nghệ tiên tiến mà tốt xấu là do người dùng sử dụng ra sao. Và điều mấu chốt là con người thời công nghệ cao này phải chấp nhận và tìm cách chung sống cùng các công cụ AI như ChatGPT.
Theo tuoitre.vn

Viết bình luận

Xem các tin khác