Nhìn nhận lại và lập kế hoạch cho năm mới tích cực hơn

10/01/2019 | quynhanh.vu
Thích
2671 Xem 0 thích 0 Bình luận
1. Xác định vai trò

Một trong những nguồn cơn quan trọng nhất khiến hầu hết mọi người có cảm giác phiền lòng và không thoả mãn vào những ngày cuối năm chính là vai trò của họ trong công việc. Vì thế để xua tan nỗi buồn chán ngày cận Tết, trước hết bạn cần xem lại mô tả công việc và những phân công vai trò của bạn trong công việc hiện tại. Bạn cảm thấy nó đã ảnh hưởng đến mục tiêu và những cơ hội nghề nghiệp năm 2018 như thế nào, mọi thứ có thể hoàn thành tốt hơn trong năm 2019 không?

Hầu hết mọi người sẽ nghĩ vai trò được định sẵn rồi nên không thể điều chỉnh. Trong khi đó, tuỳ vào điều kiện thực tế, bạn hoàn toàn có khả năng thương lượng được cho mình một vai trò tốt và phù hợp hơn.
 

2. Rà soát khả năng sắp xếp công việc

Khả năng sắp xếp công việc là yếu tố ít khi được chúng ta quan tâm, so với tầm quan trọng của nó. Nếu công việc bạn đang tiến triển nhịp nhàng thì quá tốt. Còn ngược lại, đây là lúc phải hành động ngay để kế hoạch sự nghiệp năm 2019 hoàn thành dễ dàng hơn.

Khả năng sắp xếp là yếu tố nên được xem xét hai chiều, nghĩa là gồm kỹ năng cá nhân người lao động và thực tế phân công – giám sát của người quản lý. Dù vấn đề phát sinh từ phía nào, bạn đều nên rà soát kỹ càng và đưa ra hướng giải quyết phù hợp với kết luận.

Rất nhiều người có chuyên môn giỏi và tinh thần làm việc tốt nhưng luôn bị căng thẳng, mệt mỏi, phải làm việc ngoài giờ cũng là do thiếu kỹ năng quản lý thời gian. Nếu bạn nhận thấy mình cũng đang trong tình trạng sắp xếp và giải quyết công việc không tốt do kỹ năng quản lý thời gian kém thì cần cải thiện ngay đầu năm 2019. Học cách phối hợp đồng đội, tôn trọng thời hạn, phân biệt yêu cầu quan trọng và ít quan trọng, nhiệm vụ khẩn cấp và việc có thể làm sau. Chúng ta không nhất thiết phải kiểm tra email 10 phút một lần hoặc giải quyết ngay lập tức mọi thông tin nhận được, đôi khi phải biết nói lời từ chối, và đặc biệt ngừng “sa lầy” trên các trang mạng xã hội chỉ để đọc tin tức hay tán gẫu!

Nếu bạn đang được phân công quá nhiều việc so với quỹ thời gian thực có hoặc đảm nhiệm quá nhiều trách nhiệm khác nhau thì kỹ năng xử lý dù giỏi đến mấy cũng khó lòng hoàn thành. Mọi thứ đều có ngưỡng hiệu quả, bạn có thể “gồng mình” trong công việc (vì bạn chăm chỉ hoặc muốn chứng minh năng lực) không đồng nghĩa mọi thứ đang tiến triển tốt. Nên trò chuyện với sếp để sắp xếp lại công việc hợp lý hơn, đề nghị có thêm sự hỗ trợ từ đồng nghiệp hoặc loại bỏ bớt “việc nhỏ phát sinh” không liên quan đến vai trò và chuyên môn của bạn!

3. Xem xét tổng quan thu nhập

Cũng nên nhìn lại tổng thể mức độ và tình hình thu nhập của mình, xét xem chế độ lương thưởng, phúc lợi và trả công cho bạn đã xứng đáng chưa. Có thể bạn nghĩ mình không thể làm được gì hơn nữa nhưng nên bỏ qua cảm giác này vì nó không cần thiết!
 

Hãy thu thập và tổng hợp dữ liệu: Thu nhập của bạn ra sao so với đồng nghiệp giữ vị trí tương tự trong công ty? Những người làm nghề giống như bạn trên thị trường có mức lương trung bình khoảng bao nhiêu? Mức lương cho ngành nghề bạn đang theo đuổi có tiềm năng tăng trưởng thế nào? Không quá khó để tự giải đáp những thắc mắc này nếu bạn đã biết đến và thử sử dụng các chuyên trang uy tín chuyên đo lường về mức lương thưởng như VietnamSalary.vn. Một khi đã tham khảo đủ thông tin, bạn sẽ quyết định được năm sau mình nên đề nghị tăng lương hay không hoặc cần phấn đấu với định hướng ra sao.

4. Đánh giá lại sức khoẻ (thể lực, tâm lý và cảm xúc)

Một trong những yếu tố rất cần được đánh giá nhất chính là sức khoẻ, nó hiện đang ảnh hưởng thế nào đến công việc và ngược lại. Nhiều khảo sát đã chỉ ra rằng tác động của các thách thức về thể lực, tâm lý lẫn cảm xúc sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động, đôi khi gây ra thiệt hại nghiêm trọng và khiến hiệu quả công việc không thể cực đại.
 

Nếu bạn đã dành trọn cả năm 2018 chỉ để dồn sức làm việc mà không có bất kỳ kế hoạch nào đảm bảo sức khoẻ thì hãy giải quyết nó ngay trong năm 2019! Chúng ta chỉ vươn đến đỉnh cao sự nghiệp khi đảm bảo tốt sức khoẻ trong mọi tình huống. Dưới đây là vài gợi ý để giữ sức khoẻ:

Quan tâm nhiều hơn đến chế độ ăn uống hàng ngày. Dân văn phòng thường dễ rơi vào tình trạng ăn uống sơ sài qua quýt, thực phẩm không đủ dưỡng chất do quá bận rộn với nhịp độ và áp lực công việc. Điều này sẽ tạo ra hậu quả cực kỳ xấu cho sức khoẻ.

Phát triển thói quen vận động thể chất, bất kể bạn thời gian bạn dành cho việc này nhiều hay ít thì cũng vẫn tốt hơn là không làm gì cả. Tập thể dục 10-15 phút mỗi ngày sẽ có thể tạo ra sự khác biệt.

Thử luyện tập chánh niệm và thiền định, điều này không những giúp bạn duy trì khả năng tập trung mà còn giảm thiểu căng thẳng trong công việc.

Khi công việc hiện tại đang gây hại sức khoẻ, hãy cố gắng trao đổi với công ty để tìm xem có hướng đi nào tốt hơn trong tương lai không!

5. Kiểm tra mức độ an toàn của công việc

Yếu tố cơ bản cuối cùng được đề cập chính là đảm bảo an toàn công việc, tức là mức độ lâu dài và tính bền vững với công việc mà bạn đang phụ trách.

Hãy chắc rằng mình đang có hiệu suất, thành tích và phong độ làm việc tốt nhất so với yêu cầu của công ty, người trả công hài lòng về những gì đã đầu tư cho bạn. Hãy tìm hiểu xem có bất cứ khả năng nào khiến bạn bị đẩy đến một vị trí nhiều nguy cơ đào thải hay quá áp lực không. Tương tự như thế, cũng nên tự kiểm tra về mức độ hoà nhập văn hoá, sự gắn kết cùng đồng nghiệp và khả năng hiểu định hướng tổ chức để có sự điều chỉnh phù hợp trong năm mới.
 
Theo careerbuilder.vn

Viết bình luận

Xem các tin khác