Nam Phong - Xã nghèo chưa từng có đoàn từ thiện tới

07/01/2019 | loan.nguyen.thanh
Thích
414 Xem 0 thích 0 Bình luận
Tham gia công tác từ thiện trong nhiều năm, tôi đã từng đến những vùng đất xa xôi sát biên giới hay những bản làng khuất sau những dãy núi không đèn điện, không phủ sóng điện thoại…và tôi hiểu được rằng khoảng cách và địa hình luôn là vấn đề then chốt trong các chuyến đi thiện nguyện. Nhưng sau khi khảo sát trường PTCS Nam Phong, tôi mới thật sự cảm nhận hết được những khó khăn mảnh đất nơi đây và hiểu tại sao xã Nam Phong tuy rất nghèo nhưng chưa từng có đoàn từ thiện nào tới tài trợ

Đoàn công tác chúng tôi tiếp tục hành trình khảo sát huyện Phù Yên tỉnh Sơn La ngày thứ 2, địa điểm chúng tôi tới là trường PTCS Nam Phong. Chúng tôi lên xe và như một thói quen tiếp tục nhờ anh “google map” tìm đường tới xã Nam Phong từ thị trấn Phù Yên, xong xã Nam Phong không có trên bản đồ. Cán bộ Phòng giáo dục & đào tạo Huyện đi cùng đoàn liền trấn an tinh thần chúng tôi: “Anh cứ chạy xe thẳng tầm 40 km, rồi tới bến phà, chúng ta gửi xe lại và thuê thuyền đi thêm 40 km đường sông nữa mới tới được xã Nam Phong, mùa này nước lên thuyền di chuyển còn dễ, chứ mùa khô thì khó lắm. Nếu các anh, các chị muốn đến Nam Phong thì nhất định phải có người địa phương chỉ đường, cả đi và về cũng phải mất 3h – 4h nên chúng ta phải khẩn trương…” 
 

Nam Phong - một xã bị biệt lập, điều kiện khí hậu khắc nghiệt và địa lý sát vùng lòng hồ Sông Đà nên mùa đông rét buốt, nhiệt độ xuống thấp từ 3 ~ 4 độ, nhiều năm xuống 0 độ và có băng tuyết. Mùa hè có gió tây nam thổi vào nên rất nóng, các em học sinh phải trải chiếu rách ra sân trường hoặc nằm ngủ luôn tại lớp học do lán bán trú tạm không có quạt, diện tích nhỏ, nóng và bí (15 ~ 20 em/ 01 phòng với diện tích 16m2). 
 

Hiện tại, tổng số học sinh của trường là 128 em, trong đó có 81 học sinh bán trú song các em không có nhà bán trú, không có chăn, không có màn, không đèn chiếu sáng nên các em phải di chuyển lên lớp học bài vào buổi tối, cơ sở vật chất quá thiếu thốn nên rất nhiều em phải ở nhờ, ở trọ trong bản… Khu vực nhà vệ sinh và nhà tắm (dành cho nữ) bẩn, không có cửa, không bể nước nên toàn bộ sinh hoạt cá nhân được thực hiện dưới sông suối.

Được biết, toàn bộ học sinh tại xã Nam Phong đều thuộc diện chính sách đặc biệt khó khăn theo nghị định số 116/2016/NĐ-CP vì thế nhu yếu phẩm và công tác tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh đã được thực hiện. 100% học sinh dân tộc bán trú được hỗ trợ 15kg gạo/ tháng/ 09 tháng học. Nhưng do khoảng cách điểm trường xa trung tâm, di chuyển bằng đường sông và địa phương chủ động công tác vận chuyển, nên gạo ăn cho học sinh thường được vận chuyển 1 lần với số lượng lớn (3 ~ 6 tấn/ lần) nhưng nhà trường không có kho bảo quản nên gạo nhanh bị xuống cấp, mọt và ẩm mốc, phải bỏ đi nhiều. Suất ăn mỗi bữa của các em còn thiếu chất, chỉ có rau, không có thịt. 

Bếp nấu ăn được dựng tôn theo chính sách chung nên có diện tích nhỏ, không có khu vực ăn riêng nên học sinh được chia khay ăn ngay tại lán bán trú. Ở nơi đây cái ăn, cái ở hàng ngày của các em còn thiếu nên công tác vệ sinh an toàn thực phẩm không được chú trọng, khay bát đĩa bằng nhựa bị thôi nhiễm rất độc hại, chạn bát cũng không có…
 

Dường như không có gì ở mảnh đất này bằng phẳng và thuận lợi các bạn ạ, cứ treo leo, hiểm trở, sỏi đá cọc cằn, thiếu thốn, khó khăn chồng chất khó khăn. Thực sự các em đang rất cần sự chung tay giúp đỡ của chúng ta – những trái tim VTC nhân ái. Hãy bớt đi một ly cafe sáng, hãy bớt đi một bữa ăn là bạn đã mang ấm áp cho cho các em học sinh xã Nam Phong trong những ngày đông lạnh giá. 

Chương trinh thiện nguyện “Tết sum vấy – Ấm áp – Yêu thương 2019” do Công đoàn Tổng công ty VTC phát động vẫn đang tiếp tục nhận sự đóng góp, sẻ chia của các bạn đến hết ngày 15/01/2019.
Loannt

Viết bình luận

Xem các tin khác