Những dấu hiệu cho thấy smartphone đã bị nhiễm mã độc

18/02/2021 | ngoc.vu
Thích
219 Xem 0 thích 0 Bình luận
Nếu smartphone xuất hiện một trong các dấu hiệu dưới đây, rất có thể thiết bị của bạn đã bị nhiễm mã độc và đang bị tin tặc theo dõi, lấy cắp thông tin từ xa.

So với nền tảng iOS của Apple, nền tảng Android của Google bị đánh giá là kém an toàn hơn khi tồn tại nhiều lỗ hổng bảo mật hơn và thường xuyên là mục tiêu nhắm đến của các tin tặc, các loại mã độc và ứng dụng gián điệp. Dưới đây là những dấu hiệu giúp bạn có thể nhận diện smartphone có đang bị nhiễm mã độc và ứng dụng gián điệp hay không, từ đó đưa ra những phản ứng phù hợp giúp bảo vệ các dữ liệu riêng tư và cá nhân của mình.

Thứ nhất, Thiết bị hoạt động ngày càng chậm dù không nâng cấp phiên bản Android. Bởi các loại mã độc và ứng dụng gián điệp thường chạy ngầm trên thiết bị. Do vậy, nếu các ứng dụng gián điệp đã xâm nhập vào bên trong hệ thống sẽ chiếm một khoản không nhỏ tài nguyên hệ thống nhằm theo dõi người dùng.

Trong trường hợp smartphone hoạt động ngày càng chậm, dù người dùng không nâng cấp phiên bản Android mới hoặc ngay cả khi đã tiến hành gỡ bỏ một vài ứng dụng nhưng vẫn không cải thiện được thì có thể nghĩ đến khả năng thiết bị của mình đã bị nhiễm phần mềm gián điệp.

Thứ hai, Pin thường xuyên tụt nhanh dù ít sử dụng. Ngoài việc khiến smartphone hoạt động chậm vì chiếm dụng CPU và RAM, các tiến trình hoạt động ngầm của mã độc cũng sẽ khiến pin trên smartphone tụt nhanh hơn.

Người dùng nên truy cập vào mục "Quản lý pin" trên thiết bị Android để biết chi tiết những ứng dụng nào sử dụng nhiều pin nhất. Nếu đó là một ứng dụng khả nghi, bạn nên nhanh chóng gỡ bỏ ra khỏi thiết bị.
Những dấu hiệu cho thấy smartphone đã bị nhiễm mã độc

Thứ ba, Tự động nhận, gửi dữ liệu khi có kết nối Internet. Nếu thiết bị có kết nối Internet, cho dù người dùng không sử dụng bất kỳ ứng dụng kết nối Internet cũng như không có quá trình nâng cấp nào trên thiết bị, mà vẫn có dữ liệu được gửi, nhận trên thiết bị, thì rất có thể thiết bị chạy Android đã dính phải ứng dụng gián điệp và các ứng dụng này đang gửi, nhận dữ liệu bí ẩn từ bên ngoài mà người dùng không hay biết.

Thứ tư, Trang web đôi khi tự động chuyển hướng. Đây không phải là một dấu hiệu thường xuyên diễn ra, nhưng nếu nhận thấy có hiện tượng trình duyệt web tự động mở hoặc chuyển sang các trang web lạ thì nhiều khả năng smartphone đã bị nhiễm mã độc.

Thậm chí nhiều trường hợp người dùng bị chuyển hướng đến các trang web giả mạo để lấy cắp thông tin đăng nhập tài khoản email hay mạng xã hội... do vậy người dùng cần cân nhắc và quan sát kỹ các trang web bị chuyển hướng đến để tránh bị đánh lừa.

Thứ năm, Xuất hiện các quảng cáo toàn màn hình. Nếu smartphone xuất hiện các nội dung quảng cáo trên toàn màn hình, che lấp cả màn hình chính, dù người dùng đang không chạy ứng dụng nào, thì rất có thể smartphone đã bị nhiễm mã độc quảng cáo. Loại mã độc này có thể không nguy hiểm như các loại mã độc gián điệp, nhưng gây ra nhiều phiền toái cho người dùng và được tin tặc sử dụng để lợi dụng người dùng nhằm kiếm tiền bất chính từ các nội dung quảng cáo.

Nếu phát hiện thiết bị có những dấu hiệu bị nhiễm ứng dụng gián điệp, đầu tiên người dùng nên cài đặt và sử dụng một ứng dụng bảo mật dành cho nền tảng Android để quét và kiểm tra thiết bị của mình.

Giải pháp an toàn và hiệu quả nhất để làm sạch mã độc trên smartphone là khôi phục khôi phục cài đặt của nhà sản xuất để đưa thiết bị về trạng thái ban đầu, điều này giúp xóa sạch những ứng dụng độc hại đã xâm nhập vào hệ thống.

Tuy nhiên, để thực hiện điều này, người dùng cần phải sao lưu toàn bộ dữ liệu trên thiết bị của mình. Lưu ý rằng bạn chỉ sao lưu các dữ liệu như hình ảnh, danh bạ, tin nhắn... tuyệt đối không sao lưu các ứng dụng đã cài đặt trước đó, bởi lẽ nếu sao lưu cả ứng dụng, điều này sẽ vô tình lưu luôn cả ứng dụng độc hại, quá trình khôi phục trạng thái thiết bị sẽ xem như không có tác dụng.
Theo antoanthongtin.vn

Viết bình luận

Xem các tin khác