Hướng tới kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống Ngành Kiểm tra của Đảng

13/10/2021 | ngoc.vu
Thích
2072 Xem 0 thích 0 Bình luận
Hướng tới kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống Ngành Kiểm tra Đảng (ngày 16/10/1948 - ngày 16/10/2021), ngày 5/10/2021, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã ban hành Công văn số 300-CV/KTĐUK. Đảng ủy Tổng công ty VTC tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động những nội dung sau:

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, cùng với việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác kiểm tra, coi đây là một trong những chức năng lãnh đạo quan trọng của Đảng. Ngay trong Điều lệ văn tắt của Đảng tháng 10 năm 1930 ghi rõ:

“Trách nhiệm của đảng viên và các đảng bộ là giữ theo kỷ luật của Đảng một cách nghiêm khắc”.        

Cách đây 73 năm, tại Chiến khu Việt Bắc, Ban Thường vụ Trung ương Đảng (khóa I) đã ra Quyết nghị số 29-QN/TW, ngày 16/10/1948 thành lập Ban Kiểm tra Trung ương. Quyết nghị nêu rõ: “... Trung ương quyết định thành lập Ban Kiểm tra đi xuống các khu xét xem chủ trương của Đảng có được thi hành và có sát đúng không, đồng thời xem xét sự thi hành kỷ luật trong Đảng để thu thập kinh nghiệm giúp Trung ương bổ khuyết chính sách của Đảng...”.

Ban Kiểm tra Trung ương đầu tiên gồm các đồng chí Trần Đăng Ninh, Nguyễn Thanh Bình, Hà Xuân Mỹ (Hà Minh Quốc), do đồng chí Trần Đăng Ninh làm Trưởng ban, dưới Ban Kiểm tra là các phái viên; Ban Kiểm tra Trung ương làm việc tại xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2/1951), Ban Chấp hành Trung ương ra quyết nghị giao Ban Kiểm tra Trung ương Đảng và Ban Thanh tra Chính phủ hợp nhất làm một. Tháng 3/1951, Ban Chấp hành Trung ương đã cử ra Ban Kiểm tra Trung ương gồm các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Chánh, do đồng chí Hồ Tùng Mậu là Trưởng ban kiêm chức Tổng Thanh tra Chính phủ. Ngày 06/3/1956, Bộ Chính trị (khóa II) đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về việc tăng cường lãnh đạo công tác kiểm tra và kiện toàn tổ chức ban kiểm tra các cấp; từ đó, ban kiểm tra các khu ủy, tỉnh ủy, thành ủy được thành lập. Đến ngày 25/4/1956, Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh số 263/SL cử đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương kiêm chức Tổng Thanh tra Chính phủ. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 10 (tháng 3/1957) chủ trương tách Ban Kiểm tra Trung ương và Ban Thanh tra Chính phủ làm hai và quyết nghị kiện toàn Ban Kiểm tra Trung ương gồm các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, do đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Trưởng ban. Tháng 4/1957, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 16/CTTW quy định: “Về nội dung công tác Ban Kiểm tra của Đảng ở các cấp hiện nay chỉ chuyên trách kiểm tra việc giữ gìn kỷ luật ở các cấp và xét đơn khiếu nại của các đảng viên về các vụ thi hành kỷ luật ở cấp dưới. Còn vấn đề kiểm tra việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, của Chính phủ do Ban Thanh tra của chính quyền ở các cấp giúp cấp ủy và ủy ban hành chính tiến hành”. Từ đó đến nay, Ban Kiểm tra của Đảng và Ban Thanh tra của Chính quyền được tách riêng.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (1960 - 1976), Ban Chấp hành Trung ương đã bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 11 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Ủy viên Trung ương Đảng làm Trưởng ban. Sau đó, Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị (khóa III) đã chỉ định, bổ sung 6 đồng chí.

Ở miền Nam, do điều kiện chiến tranh, nên trước năm 1969, hầu hết chưa thành lập cơ quan kiểm tra chuyên trách. Công tác kiểm tra nói chung do cấp ủy thực hiện. Trước yêu cầu nhiệm vụ của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 14/8/1969 tại tỉnh Tây Ninh, Trung ương Cục miền Nam đã ra Nghị quyết số 13/NQ về việc thành lập Ban Kiểm tra Trung ương Cục miền Nam. Ban Kiểm tra Trung ương Cục miền Nam gồm 03 đồng chí Phan Văn Đáng (tức Hai Văn), Phó Bí thư Trung ương Cục, đồng chí Hai Mai, Phó Ban Tổ chức Trung ương Cục và đồng chí Nguyễn Văn Trọng (tức Ba Trọng), do đồng chí Phan Văn Đáng làm Trưởng Ban. Tại Khu V, tháng 3/1970, Hội nghị Khu ủy lần thứ 10 đã ra quyết nghị thành lập Ban Kiểm tra Khu ủy do đồng chí Trần Kiên, Ủy viên Thường vụ Khu ủy làm Trưởng ban; nơi làm việc tại xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Sau khi đất nước thống nhất (30/4/1975), Ban Kiểm tra Trung ương Cục miền nam và Ban Kiểm tra Khu ủy Khu V hợp nhất vào Ủy ban Kiểm tra Trung ương, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (tháng 01/2021), Ban Chấp hành Trung ương bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 19 thành viên do đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính Trị được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII.

 “Kiểm tra, giám sát là nội dung rất quan trọng trong quá trình lãnh đạo của Đảng, là chức năng lãnh đạo, nhiệm vụ thường xuyên của toàn Đảng, trước hết là nhiệm vụ của cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy, do cấp ủy trực tiếp tiến hành. Công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, thận trọng và chặt chẽ theo đúng nguyên tắc, phương pháp công tác đảng. Tổ chức đảng và đảng viên phải chịu sự tự kiểm tra, giám sát của Đảng và chịu sự giám sát của nhân dân”.

Văn kiện Đại hội XI của Đảng cũng nêu rõ: “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Điều lệ Đảng. Tập trung kiểm tra, giám sát việc chấp hành chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước, việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, chế độ công tác, thực hiện dân chủ trong Đảng, giữ gìn đoàn kết nội bộ; thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên... Chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu tổ chức đảng, nhà nước, mặt trận và các đoàn thể trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; phát hiện, xử lý kịp thời nghiêm minh các sai phạm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng”.

Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá: “Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được tăng cường, có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng; chất lượng hiệu lực, hiệu quả được nâng lên. Hoạt động kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp được đẩy mạnh, đạt kết quả khá toàn diện, nhất là ở cấp Trung ương”. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng siết chặt kỷ cương, kỷ luật của Đảng; những vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên được xử lý nghiêm minh, không có “ngoại lệ”, không có “vùng cấm”. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được tăng cường không chỉ có tác dụng giáo dục những cá nhân, tổ chức có vi phạm mà còn “có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa sai phạm đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên”.

Nhìn lại chặng đường 73 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Kiểm tra Đảng đã không ngừng được củng cố và phát triển, được tổ chức theo hệ thống từ Trung ương tới cơ sở, đã xây đắp nên truyền thống vô cùng vẻ vang của Ngành là: “Tuyệt đối trung thành, đoàn kết, trung thực, liêm khiết, kỷ cương và tận tụy”.

Qua 14 năm hoạt động, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trug ương luôn trân trọng, giữ gìn, nỗ lực, phấn đấu khắc phục khó khăn, gian khổ, nguyện đem tinh thần và nghị lực đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, không ngừng vun đắp và tô thắm truyền thống vẻ vang của Ngành Kiểm tra Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Khối thời gian tới.

Toàn văn đề cương tuyên truyền 73 năm Ngày truyền thống Ngành kiểm tra của Đảng (16/10/1948 - 16/10/2021)  Phần 1 Phần 2.

Trung tâm Truyền thông TCT

Viết bình luận

Xem các tin khác