Bình đẳng giới và mô hình người phụ nữ hiện đại

29/11/2018 | phuongbn
Thích
854 Xem 0 thích 0 Bình luận
Giải phóng và phát triển toàn diện đối với phụ nữ là một trong những mục tiêu của Cách mạng Việt Nam, một trong những nhân tố cơ bản quyết định sự phát triển của đất nước, của dân tộc. Do vậy, ngay trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng và Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta, vấn đề giải phóng phụ nữ và thực hiện quyền bình đẳng nam nữ đã được xác định rất rõ ràng, và đã có nhiều chủ trương, chính sách để thực hiện giải phóng phụ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển. Trong những năm gần đây, chúng ta hay dùng cụm từ “bình đẳng giới”. Vậy, “bình đẳng giới” là gì? Nội dung cùa nó như thế nào? Đây là vấn đề cần tìm hiểu để đi đến thống nhất trong nhận thức và hành động.

 

Bình đẳng giới có nghĩa là nữ giới và nam giới đều có cơ hội như nhau để làm việc và phát triển. Bình đẳng giới trong gia đình là mọi thành viên trong gia đình, trước hết là vợ chồng đều có vai trò, trách nhiệm và quyền lợi ngang bằng nhau trong lao động, học tập, nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe sinh sản, hưởng thụ văn hóa và tham gia các hoạt động xã hội. Trong cuộc đời hoạt động của mình, chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm đến bình đẳng giới, Bác đã khẳng định: “Công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Đàn bà có quyền bình đẳng với đàn ông về các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình”. Nhận rõ vai trò quan trọng của nữ giới, Bác cũng nhấn mạnh: "Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ". Trong bản di chúc viết tháng 5 năm 1968, Người đã căn dặn: "Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất, Ðảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Ðó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ". Cần thấy rõ vai trò và tầm quan trọng của người phụ nữ trong việc xây dựng tổ ấm gia đình là nền tảng của xã hội. Không có hạnh phúc gia đình thì không có xã hội bền vững. Mẫu người phụ nữ mà tương lai mong đợi là mẫu người “đảm việc nước, giỏi việc nhà”, vai trò vượt ra khỏi phạm vi gia đình nhưng không đánh mất vai trò xây dựng hạnh phúc gia đình, để ngày càng có nhiều đóng góp cho xã hội mà nền tảng gia đình vẫn luôn vững chắc.

 
Có một bộ phận cho rằng: là phụ nữ chỉ nên làm tốt công việc gia đình, không cần học rộng, biết nhiều, không cần thăng tiến, không cần bươn chải kiếm tiền. Một bộ phận khác lại phủ nhận thiên chức làm mẹ, làm vợ, họ cho rằng trong gia đình người nào kiếm được nhiều tiền, người ấy mới có quyền hành đích thực. Cả hai quan niệm này theo tôi, đều là sai lầm. Tư tưởng Bác Hồ về bình đẳng giới đã được Đảng, Nhà nước ta vận dụng và phát triển một cách toàn diện trong công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực tế hiện nay Đảng và nhà nước ta đang đồng thời triển khai hai đạo luật về: Bình đẳng giới và chống bạo hành gia đình chính là thực hiện tư tưởng của Bác Hồ trong sự nghiệp đổi mới – hội nhập, xây dựng một xã hội Việt Nam giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc.
 

 
Trong thời đại phong kiến, người phụ nữ chỉ làm nhiệm vụ nội trợ, chăm sóc chồng con, phụng dưỡng bố mẹ chồng, không hề tham gia các hoạt động xã hội, sống khép mình theo khuôn khổ “tam tòng, tứ đức” kiểu nho giáo. Nhưng giờ đây, theo sự thay đổi chung của thời đại, người phụ nữ ngày nay ngoài trách nhiệm truyền thống làm con, làm dâu, làm mẹ, làm vợ… đã thực sự bước vào xã hội với nhiều vai trò khác nhau trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa, khoa học kỹ thuật… và phụ nữ đã và đang nắm giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các cơ quan, doanh nghiệp… ngày càng chiếm tỷ lệ cao. Rất nhiều phụ nữ làm ra tiền, có địa vị xã hội nhưng vẫn không quên thiên chức làm vợ, làm mẹ. Họ biết tận dụng giờ nghỉ, tranh thủ đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái, chăm sóc chồng và cả gia đình chồng, lại còn phải tranh thủ đi học để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Đó mới chính là hiện thân của phụ nữ trong thời đại mới, hội đủ các yếu tố “ công, dung, ngôn, hạnh” thời nay. Đã có một thời, nền nếp gia đình truyền thống bị coi là cổ hủ, là phong kiến, là kìm hãm sự nghiệp giải phóng phụ nữ, và chúng ta đã dần xóa bỏ cái cũ, cái lạc hậu của mô hình “gia đình phong kiến”. Tuy nhiên, không thể xóa bỏ triệt để mà chúng ta cần phải trân trọng những cái hay, cái đẹp, cái tinh hoa của gia đình truyền thống, cụ thể là nét văn hóa ứng xử trong quan hệ vợ chồng, quan hệ giữa bố mẹ chồng và con dâu, quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Trong cơ chế thị trường hiện nay, nếu không gìn giữ và phát huy những vốn quý đó thì những giá trị đạo đức rất dễ bị đảo lộn. Sự dịu dàng, ân cần, khéo léo, sự ngoan ngoãn, tôn trọng người trên và tình yêu, tình thương của một người con, người vợ, người mẹ sẽ trở thành chìa khóa bảo vệ hạnh phúc gia đình, xây dựng gia đình trở thành tổ ấm thực sự, góp phần xây dựng một xã hội phát triển lành mạnh. Mô hình người phụ nữ xưa chỉ là con người “bổn phận và trách nhiệm”, nhằm thỏa mãn những yêu cầu của gia đình và xã hội của thời bấy giờ đã không còn phù hợp. Gia đình trong xã hội hiện đại đang cần những người vợ, người mẹ đảm đang, thông minh, tinh tế, nhân hậu, năng động và sáng tạo. Người phụ nữ đã được giải phóng nếu muốn thực sự làm chủ được bản thân, gia đình và xã hội phải vươn lên để thành đạt trong sự nghiệp, có thu nhập cao, có cuộc sống tinh thần phong phú và một phong cách sống độc lập của riêng mình. Người phụ nữ phải làm tốt thiên chức cao đẹp của người vợ, người mẹ, đó là cơ sở để chị em tham gia công tác xã hội đạt hiệu quả. Ngược lại, vị thế xã hội cũng giúp cho người phụ nữ có uy tín và điều kiện nuôi dạy con cái, gìn giữ hạnh phúc gia đình. Trong bối cảnh đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ vẫn còn nguyên giá trị, vẫn có tính thời sự. Cuộc cách mạng "nam nữ bình quyền" mà Người khởi xướng vẫn đang thôi thúc "từng người, từng gia đình, đến toàn dân" thực hiện. Mọi người đều thấm nhuần niềm tin sắt đá của Bác Hồ là cuộc cách mạng này "dù to và khó nhưng nhất định thành công".

 
Nam giới hay nữ giới không quan trọng, vì thế không nên có thái độ kỳ thị, phân biệt, từ bỏ vai trò, thiên chức của mình, quên phát huy ưu điểm, thế mạnh của mình. Nên biết, ở người phụ nữ có những năng lực và đức tính mà người đàn ông ít ai có được. Người phụ nữ không nên tự ti với bản thân mình, người đàn ông cũng phải thấy được giá trị cao quý của người phụ nữ để có thái độ trân trọng và cư xử đúng mực. Điều quan trọng là thiết lập đuợc các mối quan hệ tốt trên cơ sở của sự hiểu biết và tình yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, đó là con đường hạnh phúc, mục tiêu sau cùng của cuộc sống. Tôi cho rằng, không thể bỏ phí tiềm năng, trí tuệ của một nửa nhân loại chỉ vì những định kiến và suy nghĩ lỗi thời, nhất là khi loài người đang tiến dần đến nền kinh tế tri thức – nơi “sức mạnh cơ bắp” phải nhường chỗ cho “sức mạnh trí tuệ”. Và chúng tôi kêu gọi nam giới – một nửa còn lại của nhân loại hãy cùng cảm thông, chia sẻ và gánh vác cùng với chúng tôi để chúng tôi có điều kiện hoàn thiện chính mình. Chúng ta hãy cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, tiến tới hội nhập thế giới và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

(Sưu tầm) 

Viết bình luận

Xem các tin khác