Việt Nam muốn làm chủ mạng 5G

25/02/2019 | manh.le
Thích
112 Xem 0 thích 0 Bình luận
Các nhà mạng đều đặt kế hoạch đến năm 2020 sẽ triển khai đại trà mạng 5G (công nghệ di động thế hệ thứ 5) với hàng loạt ứng dụng cho đời sống, từ đồ gia dụng tới giáo dục, y tế, xe không người lái...

Thử nghiệm tại TP.HCM và Hà Nội

Viettel hiện là nhà mạng duy nhất được cấp phép thử nghiệm 5G tại TP.HCM và Hà Nội. Trước đó, cuối năm 2018, ông Tào Đức Thắng, phó tổng giám đốc Viettel, cho biết: "Viettel đã sẵn sàng tham gia cuộc thử nghiệm 5G năm 2019. Chúng tôi mong rằng sẽ sớm có thông tin về tần số để Viettel và các nhà mạng khác có sự chuẩn bị về thiết kế, thiết bị phù hợp".

Ông Nguyễn Đăng Nguyên, phó tổng giám đốc phụ trách MobiFone, cho biết hãng này đã đặt vấn đề xin cấp phép thử nghiệm 5G lên Bộ TT&TT từ cuối tháng 9-2018. Sau đó, MobiFone đã nộp hồ sơ lên Bộ TT&TT xin phép thử nghiệm 5G. 

Hiện MobiFone đang làm việc với các nhà cung cấp thiết bị để chuẩn bị cho việc thử nghiệm này. Dự kiến đầu quý 2-2019, thiết bị 5G sẽ về VN và sau đó lắp đặt thử nghiệm.
Ông Nguyên còn cho biết công nghệ 5G có ưu điểm về độ trễ thấp, có tốc độ data vượt trội so với 4G. Vì vậy, việc thử nghiệm này là bước quan trọng để MobiFone đánh giá về công nghệ và thị trường trước khi triển khai cung cấp dịch vụ chính thức.

"Nếu được Bộ TT&TT chấp thuận, chúng tôi sẽ thử nghiệm 5G tại TP.HCM và Hà Nội trên quy mô khoảng 20 trạm thu phát sóng và miễn phí cho khách hàng thử nghiệm" - ông Nguyên nói. 

Bên cạnh đó, MobiFone cũng cho biết sẽ nghiên cứu phát triển các sản phẩm, hệ sinh thái cho 5G để có thể khai thác hiệu quả các tính năng ưu việt của công nghệ này.

VNPT cũng cho biết đã sớm có những phương án chuẩn bị để thử nghiệm mạng 5G trong năm nay. Theo lãnh đạo tập đoàn này, nhờ có sự chuẩn bị sớm cả về nhân lực cũng như tài chính nên mọi công tác chuẩn bị cho việc thử nghiệm 5G đã hoàn tất. VNPT sẽ thử nghiệm mạng 5G ở một số thành phố trọng điểm ngay khi được Bộ TT&TT cho phép.

Hạ tầng mạng "made in Việt Nam"?

Với các thế hệ mạng di động trước đây, các đối tác từ Trung Quốc như Huawei hay ZTE thường được các nhà mạng Việt Nam lựa chọn cung cấp thiết bị hạ tầng mạng, thậm chí cả thiết bị đầu cuối. 

Tuy nhiên, song song với việc các công ty Trung Quốc bị nhiều quốc gia trên thế giới lên án về câu chuyện "cửa hậu" trong thiết bị mạng của họ, ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng trên không gian mạng, các nhà mạng Việt Nam đã dần giảm bớt sự lệ thuộc vào thiết bị Trung Quốc, thay vào đó là đa dạng hóa hạ tầng mạng từ thiết bị của nhiều đối tác khác nhau, thậm chí tự sản xuất thiết bị.

Mới đây, Viettel cho hay đang nghiên cứu sản xuất thiết bị trạm phát sóng 5G. Viettel đã thành lập nhóm nghiên cứu phát triển công nghệ 5G từ năm 2015. Đến nay, Viettel đã đạt được một số kết quả tích cực như: làm chủ công nghệ lõi của phần mềm cho thiết bị 5G, làm chủ thiết kế phần cứng khối thu phát cao tần, làm chủ thiết kế phần mềm lớp vật lý cho thiết bị 5G. 

Viettel đặt mục tiêu năm 2019 sẽ hoàn thành chế thử trạm phát sóng 5G phiên bản 1, thử nghiệm mạng lưới trạm 5G vào năm 2020 và sẵn sàng thương mại sản phẩm vào năm 2021.

Tập đoàn VNPT cũng thông tin đã ký kết thỏa thuận thiết lập phòng lab với Tập đoàn Nokia để nghiên cứu về công nghệ và giải pháp, ứng dụng trong mạng di động 5G. Theo đó, hai bên sẽ hợp tác thử nghiệm các công nghệ mạng 5G và nhiều giải pháp, ứng dụng trên mạng 5G; nghiên cứu, khảo sát, thử nghiệm triển khai công nghệ 5G; chia sẻ thông tin về các nghiên cứu mới nhất, về công nghệ, sản phẩm mới trên mạng 5G... 

Đặc biệt, VNPT còn cho biết đang chuẩn bị để có thể sản xuất các thiết bị mạng 5G, từng bước tiến tới làm chủ trong mảng này giống như đã làm được đối với mạng 2G, 3G, 4G và băng rộng cố định.

Nhu cầu Việt Nam đủ lớn để triển khai 5G?

Năm 2010, khi Việt Nam bắt đầu triển khai mạng 3G, việc truy cập Internet trên điện thoại di động bắt đầu phát triển. Đến thời kỳ mạng 4G chứng kiến sự bùng nổ của các ứng dụng di động, đặc biệt là các ứng dụng OTT như: Facebook Messenger, Viber, Zalo...

Tuy nhiên, nhu cầu kết nối mạng di động hiện nay đã không còn chỉ dành riêng cho smartphone nữa. Xe hơi, đồng hồ thông minh, mắt kính thông minh..., quy mô rộng hơn là thành phố thông minh, y tế thông minh... cũng có nhu cầu kết nối mạng di động. 

Người dùng Việt Nam đã bắt đầu sử dụng nhiều thiết bị thông minh có kết nối mạng (thường gọi chung là IoT - Internet of things: Internet vạn vật), không chỉ riêng smartphone. Việt Nam cũng đang triển khai xây dựng nhiều thành phố thông minh, khi đó nhu cầu kết nối mạng sẽ vượt quá khả năng của 4G.

Ngày 21-2, Hiệp hội Di động thế giới (GSMA) công bố danh sách 50 nhà mạng đầu tiên trên thế giới đã triển khai thành công NB-IoT (công nghệ giúp triển khai kết nối vạn vật), với đại diện duy nhất đến từ Việt Nam là Viettel. Thành quả này đến từ việc Viettel đã kích hoạt thành công 30 trạm phát sóng đầu tiên cùng nền tảng cung cấp dịch vụ sử dụng công nghệ NB-IoT tại Hà Nội vào cuối năm 2018. 

Hiện tại, một số ứng dụng dựa trên hạ tầng kết nối và nền tảng IoT như: đỗ xe thông minh (smart parking), giám sát chất lượng không khí (airmonitoring), giám sát vị trí (location tracking), thiết bị đo lường (metering devices)... đã bắt đầu được thử nghiệm. Đây là những ứng dụng ban đầu để tạo cơ sở cho sự phát triển và bùng nổ hệ sinh thái các dịch vụ IoT trong thời gian sắp tới. Sự bùng nổ này tất yếu kéo theo nhu cầu cần sớm có mạng 5G.

Trong tham luận "Hiện trạng mạng băng rộng và định hướng phát triển 5G tại Việt Nam" ở sự kiện Ngày Internet Việt Nam diễn ra cuối năm 2018, Cục Viễn thông cho rằng nhiều quốc gia coi 5G là cơ hội để họ tạo ra những ngành nghề mới, dịch vụ mới, cơ hội việc làm mới. 

Những quốc gia có kế hoạch đi vào 5G đầu tiên sẽ phải nghĩ đến việc có những ngành công nghiệp mới xuất hiện để phục vụ 5G, có ứng dụng mới như thành phố thông minh, chăm sóc sức khỏe thông minh... để triển khai trên nền tảng 5G.

Sự khác biệt của 5G

Yếu tố quan trọng nhất tạo ra sự khác biệt giữa các thế hệ mạng di động đương nhiên là tốc độ kết nối. Tuy nhiên, 5G không chỉ vượt trội về tốc độ mà còn có khả năng cho phép kết nối cùng lúc hàng triệu thiết bị. 5G có thể đạt tốc độ tối đa đến 20 Gbps chiều xuống và 10 Gbps chiều lên; độ trễ dưới 1 ms; đảm bảo kết nối cho 1 triệu kết nối trên 1 km2; giảm mức tiêu thụ năng lượng xuống 1/10 lượng tiêu thụ của các hệ thống ngày nay.

Không chỉ đơn thuần là kết nối thoại và dữ liệu như 4G, 5G được thế giới đánh giá sẽ tạo ra cuộc cách mạng về tốc độ, sự ổn định cho thiết bị di động, xóa khoảng cách giữa tốc độ băng thông không dây và cố định.

Huawei khiến thế giới phải e ngại khi triển khai các hệ thống mạng 5G thương mại ngay trong năm 2018. Công ty này đã ký kết được 30 hợp đồng 5G thương mại và vận chuyển hơn 25.000 trạm gốc 5G trên toàn cầu.

Rủi ro cũng lớn hơn

Theo ông Vitaly Kamluk - Kaspersky Lab, hiện tại mạng 5G vẫn chưa phổ biến nhưng với sự xuất hiện của 5G, chúng ta có thể sớm nhìn thấy được các đợt tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) lớn liên quan đến điện thoại di động hoặc khối lượng lớn dữ liệu có thể bị đánh cắp với sự trợ giúp của mạng di động. Cách tốt nhất để ngăn chặn tội phạm mạng tận dụng sức mạnh của 5G là duy trì tính bảo mật trên sản phẩm di động cá nhân và ngăn điện thoại sử dụng 5G kết nối vào mạng doanh nghiệp.
Theo tuoitre

Viết bình luận

Xem các tin khác