Trận chiến giành chip máy tính ngày một khốc liệt, Mỹ sốt ruột chi thêm 52 tỉ USD?

04/07/2022 | manh.le
Thích
702 Xem 0 thích 0 Bình luận
Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho rằng, tình trạng thiếu hụt chip máy tính là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng lạm phát cao hơn ở Mỹ. Bộ cũng đã đề xuất Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật CHIPS.

Theo báo Guardian, là một phần của Đạo luật Cạnh tranh và đổi mới (USICA), Đạo luật CHIPS sẽ cung cấp một khoản trợ cấp 52 tỉ USD cho các nhà thiết kế chip bán dẫn của Mỹ để sản xuất chip của họ ở ngay tại nước này.

Nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới (về doanh số) là Tập đoàn Intel của Mỹ, có trụ sở tại thành phố Santa Clara, bang California.

Phân tích về yêu cầu trên của các nhà sản xuất chip, ông Robert Reich, cựu bộ trưởng Lao động Mỹ, giáo sư chính sách công tại Đại học California-Berkeley, cho rằng Intel hầu như không thiếu tiền.

Doanh thu của Intel đã tăng lên 79 tỉ USD vào năm 2021. Hiện nay, Intel thiết kế, lắp ráp và thử nghiệm chip của họ tại Mỹ, ngoài ra tập đoàn này còn có nhà máy lắp ráp ở Việt Nam, Trung Quốc, Israel, Ireland, Malaysia, Costa Rica.

Trong số những tập đoàn đủ khả năng thụ hưởng tiền trợ cấp theo Đạo luật CHIPS sẽ có Global Foundries. Công ty này đang sản xuất chip ở New York và Vermont, nhưng cũng sản xuất ở nhiều nơi khác trên thế giới.

Global Foundries thậm chí không phải là một công ty của Mỹ. Đó là một công ty con thuộc sở hữu đa số của Mubadala Investment Co, quỹ tài sản có chủ quyền của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Điều này giải thích tại sao ngành công nghiệp bán dẫn quan trọng này, đang vận động các chính phủ trợ cấp, cắt giảm thuế và miễn trừ theo quy định - đổi lại họ sẽ thiết kế và chế tạo các sản phẩm ở quốc gia đó.

Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc gần đây đều đã thông qua các khoản tín dụng thuế, trợ cấp và các ưu đãi khác lên tới hàng chục tỉ USD cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Liên minh châu Âu (EU) đang hoàn thiện việc sản xuất chip của riêng mình với khoản trợ cấp 30 - 50 tỉ USD.

Ngay cả Trung Quốc cũng đã gia hạn miễn giảm thuế quan và các biện pháp khác, nhằm nâng cấp thiết kế và sản xuất chip ở nước này.

"Các quốc gia khác trên toàn cầu đang đầu tư lớn vào đổi mới và sản xuất chip. Nếu chúng tôi không hành động nhanh chóng, Mỹ có thể mất hàng chục nghìn công việc được trả lương cao cho châu Âu", lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, ông Chuck Schumer, cho biết.

Ông John Neuffer, giám đốc điều hành của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ, cảnh báo các cơ sở sản xuất chip thường xây dựng ở nước ngoài vì giá thành rẻ hơn 25 - 50% so với ở Mỹ.

Tại sao vậy? Phần lớn là do các ưu đãi của các nước.

Theo ông Reich, khi vốn ngày càng trở nên khó khăn và toàn cầu hơn, rất dễ dàng để các tập đoàn toàn cầu đưa các quốc gia ra đấu với nhau.

Điều này giúp giải thích tại sao Quốc hội Mỹ sẵn sàng trợ cấp 52 tỉ USD cho một ngành công nghiệp có lợi nhuận cao.

Nếu thuộc sở hữu công khai, các tập đoàn phải trung thành với cổ đông bằng cách tối đa hóa giá trị cổ phần của họ. Tuy nhiên, hơn 40% giá trị cổ đông của các tập đoàn có trụ sở tại Mỹ, thuộc sở hữu của những người không phải là người Mỹ.
 
Theo tuoitre.vn

Viết bình luận

Xem các tin khác