Chủ tịch Asanzo: Sản phẩm của chúng tôi không phải hàng Việt Nam

26/06/2019 | manh.le
Thích
156 Xem 0 thích 0 Bình luận
Trong thông cáo báo chí chiều 23-6, Công ty CP Tập đoàn Asanzo cho biết đã có cuộc trao đổi với đại diện báo Tuổi Trẻ để làm rõ thông tin trong loạt bài điều tra 'Asanzo - hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt'.

Trước đó chiều 22-6, ông Phạm Văn Tam - chủ tịch Tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam - đã đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ.
Tại đây ông Tam có giải thích xung quanh việc Asanzo ghi xuất xứ hàng hóa, việc bóc gỡ tem nhãn Trung Quốc... cùng nhiều vấn đề liên quan khác.

Tại buổi gặp gỡ báo chí chiều 23-6, ông Tam cho biết đối với sản phẩm tivi, Asanzo nhập 70% linh kiện từ Trung Quốc, 30% còn lại Asanzo tự làm như: thiết kế bảng mạch, hiệu chỉnh phần mềm Android TV, bộ nguồn phù hợp với điện 220V, remote...

Tuy nhiên, tại buổi làm việc với Tuổi Trẻ, ông Tam cho biết tỉ lệ nội địa hóa của tivi Asanzo không phải tính trên từng món linh kiện mà ông tính trên giá tiền hóa đơn đầu vào.

"Nghĩa là trên giá tiền sản phẩm mua vào để làm ra một cái tivi. Nếu tính trên hóa đơn thì giá trị tỉ lệ linh kiện nhập khẩu từ 60-70%. Còn lại khoảng 30-40% là nội địa".

Khi được hỏi tỉ lệ nội địa gồm những gì? Ông Tam cho biết: "Đó là vỏ nhựa, dây nguồn điện, thùng xốp, bao bì giấy, nhân công lắp ráp... Mấy cái này mình được phép cộng vào. Mình tính thế thôi chứ không muốn tính nhiều hơn, rồi công bố là nội địa hóa đến 80-90%".

Chúng tôi thắc mắc rằng nếu tỉ lệ nội địa hóa tính trên giá trị gồm những món như vậy thì tỉ lệ linh kiện nhập khẩu gần như 99%? Ông Tam thừa nhận: "Đúng. Gần như là mình nhập 100%. Bên mình chỉ là khâu đầu - cuối, mình ráp lên, kiểm tra sản phẩm đạt thì cho ra thị trường".

Liên quan phản ánh của Tuổi Trẻ về việc Asanzo ghi xuất xứ Việt Nam, made in Việt Nam trên sản phẩm bán ra thị trường, ông Tam chia sẻ: "Bản thân tôi cảm nhận là Asanzo tự lắp ráp rồi có các nhà cung cấp Việt Nam họ cung cấp thì mình ghi xuất xứ Việt Nam. Chứ chưa có văn bản nào ghi chính thức, hướng dẫn các doanh nghiệp như chúng tôi là hàng lưu hành nội địa có được ghi xuất xứ Việt Nam hay không? Tôi có tìm hiểu, nhưng cơ quan nhà nước chỉ hướng dẫn với hàng xuất khẩu chứ không nói hàng tiêu thụ nội địa".

Ông Tam cho biết thêm lúc đầu Asanzo ghi "made in Việt Nam", nhưng sau đó bộ phận pháp chế nói chưa có văn bản nào hướng dẫn như vậy nên phải ghi xuất xứ Việt Nam mới đúng.

Về việc nhà máy Asanzo cho công nhân bóc tem made in China khỏi sản phẩm, ông Tam nói ông không có chủ trương này: "Tem đó trên linh kiện chứ không phải trên tivi. Công nhân có thể bóc cũng có thể không vì nó nằm bên trong tivi".

Chúng tôi hỏi nếu không có chủ trương sao trong nhà máy Asanzo lại có cả bảng hướng dẫn quy trình bóc tem này? Ông Tam nói mình không rõ và hứa sẽ kiểm tra lại việc này.
Chỉ là sản phẩm lắp ráp.

Tuổi Trẻ công bố hàng loạt công ty "ma", giám đốc ảo nhập hàng Trung Quốc cho Asanzo sau đó một thời gian rồi biến mất. Nếu chỉ một công ty, đó không phải là hiện tượng nhưng có hàng loạt công ty "ma" như vậy, liệu Asanzo có liên quan?

Ông Tam nói: "Chủ trương của tôi là làm sao có được nhiều nhà cung cấp, tận dụng được nguồn lực của họ. Tôi sai sót là không nắm rõ nhà cung cấp, họ làm gì sai, họ chịu trách nhiệm".

Tuy nhiên, theo điều tra của Tuổi Trẻ, Công ty Sa Huỳnh được thành lập từ CMND mượn của một công nhân nhà máy Asanzo mà chính người này cũng không hề hay biết, và lô hàng nhập khẩu của Sa Huỳnh đã bị hải quan phát hiện khai báo gian dối.

Ông Tam thừa nhận có biết việc này khi hải quan gọi hỏi: "Tôi trả lời là mặt hàng đó Asanzo ngưng lâu rồi và đã chuyển cho các đơn vị cấp dưới kinh doanh nên tôi không nắm được".

Trả lời câu hỏi: "Với thành phần linh kiện nhập hoàn toàn từ nước ngoài, ông khẳng định lại sản phẩm của Asanzo có phải là hàng lắp ráp?".

Ông Tam nói: "Đúng là như vậy. Tôi cũng muốn nội địa hóa nhưng cũng khá khó khăn vì không có công ty nào cung cấp. Ví dụ tôi muốn làm ốp lưng tivi nhưng ra khu sản xuất đồ nhựa ở Chợ Lớn đặt hàng thì không có cơ sở nào đáp ứng được".

Cuối buổi làm việc, chúng tôi hỏi rằng đến thời điểm này, ông có khẳng định sản phẩm của Asanzo là hàng Việt, do người Việt làm ra hay không?

Sau một hồi đắn đo, ông Tam nói: "Tôi nghĩ nó là hàng lắp ráp tại Việt Nam thì đúng hơn. Nó là sản phẩm được sở hữu từ công ty Việt Nam nhưng nó không phải là hàng Việt Nam".
Theo tuoitre

Viết bình luận

Xem các tin khác