Tổng công ty VTC nhận bằng khen trong phong trào "Thi đua yêu nước"

13/10/2020 | manh.le
Thích
1230 Xem 0 thích 0 Bình luận
Chiều 12/10/2020, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV (giai đoạn 2020-2025). Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Tổng công ty VTC vinh dự có một tập thể và một cá nhân trong tổng số 20 tập thể và 41 cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ trưởng trong phong trào thi đua yêu nước Bộ TT&TT giai đoạn 2015 -2020.  Cụ thể Bằng khen được tặng cho Tổng công ty VTC và ông Lương Thanh Tùng - Trưởng phòng Dự án, Công ty VTC Digital.
 

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình biểu dương, ghi nhận và chúc mừng những kết quả tích cực đã đạt được từ các phong trào thi đua yêu nước của ngành TT&TT trong 5 năm qua. Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao các phong trào thi đua yêu nước của ngành TT&TT được tổ chức sâu rộng, thiết thực, hiệu quả, từng bước đổi mới nội dung và hình thức, bám sát thực tiễn gắn với việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tich Hồ Chí Minh” theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị. Đây thực sự là động lực cổ vũ, động viên cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn Ngành.
 
Để phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng thực sự trở thành động lực, góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ của toàn Ngành trong thời gian tới, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình chỉ đạo ngành TT&TT cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
 
Chính phủ sẽ phát triển hạ tầng kỹ thuật số, CNTT-TT nhằm đưa kinh tế số chiếm 20% GDP của cả nước vào năm 2025. Ngành TT&TT phải nhận lãnh trách nhiệm tham mưu định hướng chiến lược cho đất nước trong lĩnh vực phát triển và ứng dụng CNTT-TT; hoạch định chính sách phù hợp để huy động tối đa nguồn nhân lực và nguồn tài chính trong nước và quốc tế để đảm bảo hạ tầng thông tin tiên tiến nhất đáp ứng mọi nhu cầu phát triển cách mạng công nghiệp 4.0.
 
 
Tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Ngành, trong đó tập trung phát triển hạ tầng bưu chính theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số trong bưu chính; chuyển dịch hạ tầng viễn thông sang hạ tầng CNTT-TT để thúc đẩy chuyển đổi số; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển dịch từ Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số; đảm bảo an toàn, an ninh mạng đặc biệt trong thời gian diễn ra đại hội Đảng các cấp và các sự kiện quan trọng của đất nước.
 
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đề nghị Bộ TT&TT cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng mạng 5G, sớm phê duyệt quy hoạch Trung tâm Dữ liệu quốc gia - một trụ cột không thể thiếu của CMCN 4.0 nhằm chủ động quản lý hiệu quả các hoạt động diễn ra trên mạng thông tin, không để thất thoát tài nguyên số quốc gia, kiểm soát an ninh mạng một cách hiệu quả, ngăn chặn các thông tin độc hại, chống thất thu thuế từ các hoạt động thương mại trên mạng; Tổ chức thực hiện Đề án chuyển đổi số quốc gia và Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam; Tập trung phát triển các DN khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số tại địa phương; Tiếp tục tổ chức các hoạt động hỗ trợ DN giải quyết các khó khăn trong nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất các sản phẩm, giải pháp công nghệ thương hiệu Việt Nam; phát triển nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu cuộc CMCN lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia...
 
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo Bộ TT&TT cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí truyền thông; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) như một công cụ để phân tích, nắm bắt kịp thời nhịp đập hơi thở cuộc sống, tâm tư đời sống xã hội, để tham mưu cho Đảng và Nhà nước điều chỉnh đường lối chính sách phù hợp với nguyện vọng chính đáng của đại đa số người dân; hạn chế những sản phẩm độc hại lan truyền trên mạng xã hội.
 
Đặc biệt, Bộ TTT&TT cần chú trọng khen thưởng đột xuất nhất là khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích mang tính đột phá, tích cực ứng dụng công nghệ 4.0, đam mê nghiên cứu, sáng tạo để phát triển các sản phẩm, mô hình dịch vụ kinh doanh mới, đưa CNTT vào các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội và phục vụ chuyển đổi số quốc gia, Phó Thủ tướng thường trực nhấn mạnh.
 
Tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cam kết trong giai đoạn tới phong trào thi đua của Bộ sẽ có nhiều điểm mới, bám sát những nhiệm vụ trọng tâm mà Phó Thủ tướng đã đề cập. Bộ trưởng bày tỏ sự cảm ơn những tình cảm Phó Thủ tướng thường trực dành cho Bộ TT&TT và Đại hội thi đua của Bộ hôm nay.
 
Cũng tại Đại hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, việc thực hiện tốt phong trào thi đua khen thưởng trong những năm qua đã tạo ra không khí thi đua sôi nổi, là động lực cho toàn ngành TT&TT hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành. Thông qua các phong trào thi dua yêu nước đã xuất hiện những tấm gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm, ý chí quyết tâm và sức sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Nhiều tập thể, cá nhân đã nhận được khen thưởng của Nhà nước, Chính phủ, thực sự là những tấm gương tiêu biểu để cán bộ CCVC và người lao động của toàn Ngành học tập và noi theo
 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu các đơn vị trong ngành TT&TT cần tập trung những vấn đề sau:
 
Việc 5 năm hãy làm 1 năm
 Thi đua phải lấy tinh thần yêu nước làm gốc, yêu nước tức là góp phần mình làm cho Việt Nam phát triển thịnh vượng vào năm 2045. Yêu nước là dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia. Yêu nước là phát triển và quản lý tốt báo chí xuất bản. Yêu nước phải đặt mục tiêu cao, tìm ra giải pháp đột phá. Việc 5 năm hãy làm 1 năm, chỉ có như vậy mới có phong trào thi đua sôi nổi và tạo ra những  giá trị lớn lao.
 
Việc vĩ đại tạo nên người vĩ đại
 Công việc hàng ngày của mỗi người chính là nền tảng của thi đua. Ngày nay, mỗi người đều có thể tiếp cận kho tri thức của nhân loại, có thể lập nhóm làm việc với bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu, vì vậy sức mạnh của mỗi cá nhân là vô cùng to lớn. Hãy giao việc lớn cho nhóm nhỏ, hãy giao việc lớn cho mỗi cá nhân. Việc càng lớn, càng thách thức, cơ hội xuất hiện nhân tài càng lớn.
 
Thi đua là để tạo ra giá trị
 Thi đua phải có mục tiêu, tiêu chí rõ ràng, tạo ra giá trị và giá trị tăng thêm. Thi đua phải có kế hoạch tỉ mỉ do các nhóm nhỏ và cá nhân góp phần xây dựng nên từ chính công việc hàng ngày, tự thấu hiểu mục tiêu và biết làm thế nào đạt được mục tiêu đó, tự nguyện tự giác thực hiện hàng ngày. Tuyệt đối tránh sự chung chung, áp đặt, cào bằng.
 
Việc là gốc của thi đua

Có việc thì mới có thi đua. Việc không đến mức phải thi đua thì không có thi đua. Lãnh đạo các cấp phải nghĩ ra việc, làm những việc có tầm nhìn đúng, khác biệt và đột phá, tạo ra nhiều giá trị cho ngành, cho nhân dân, cho xã hội, cho đất nước. Đây chính tiền đề cho thi đua yêu nước.
 
Thi đua là toàn dân, thi đua là để phát triển từng cá nhân
 Phong trào thi đua cần liên tục đổi mới, sáng tạo để khích lệ tinh thần thi đua trong tất cả các cơ quan, đơn vị, nhất là trong mỗi người. Thi đua phải huy động được sự tham gia thực chất của toàn dân, bất kỳ ai trong đơn vị dù làm công việc gì, chức danh nhiệm vụ ra sao đều được tham gia thi đua. Thi đua trước hết là vì con người, là cách tốt nhất để mỗi người hoàn thiện chính bản thân mình, được động viên khích lệ, được nâng đỡ, ghi nhận, biểu dương thành tích thành quả.
 
Thi đua là để tìm ra và nhân lên giá trị
Thi đua phải luôn gắn liền với tổng kết, đánh giá, nhân rộng. Sau các phong trào thi đua, mỗi đơn vị, mỗi người phải rút ra những bài học kinh nghiệm cho mình từ đồng nghiệp, từ đơn vị bạn. Mục tiêu cuối cùng của thi đua là tạo ra giá trị cho đất nước phát triển, thông qua đó để mỗi cá nhân phát triển bản thân mình. Giá trị luôn cần được nhân lên thì đất nước mới phát triển nhanh chóng. Cá nhân mới nhanh khám phá và hoàn thiện bản thân.
 
Người đứng đầu ngành TT&TT nhận định, thế giới ngày càng trở nên khắc nghiệt, trung bình có nghĩa là chết, khá hay thậm chí tốt cũng không thay đổi được thứ hạng. Chỉ có xuất sắc mới bứt phá vươn lên và thay đổi được thứ hạng. Bởi vậy thi đua là để tiến tới sự xuất sắc và chỉ có khát vọng xuất sắc, mục tiêu xuất sắc thì mới cần đến thi đua. Mỗi sáng thức dậy hãy nhìn thế giới khác đi, hãy suy nghĩ khác đi, hãy đặt mục tiêu cao hơn năng lực của mình, vì thế chúng ta sẽ tìm ra các giải pháp độc đáo.
 
Sau Đại hội này, mỗi chúng ta sẽ thi đua với chính mình, nghiêm túc hơn và khác đi ngay cả với chính mình. Tốt hơn và khác đi mỗi ngày để tạo ra giá trị cho đơn vị mình, cho ngành mình, cho đất nước mình phát triển nhanh và bền vững, để khát vọng Việt Nam trở thành nước phát triển và có thu nhập cao vào năm 2045 sẽ trở thành hiện thực. Và qua đó, mỗi chúng ta sẽ khám phá ra chính bản thân mình. Hãy làm công việc hàng ngày với một tình yêu lớn.
 
Mạnh Lê
 
 

Viết bình luận

Xem các tin khác